ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 06h59 19/08/2024

Kỷ nguyên AI: Chân trời mới trong lĩnh vực công nghệ

(KDPT) - Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng. Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu Al.

Kỷ nguyên AI và tương lai công nghệ

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, thì GenAI Summit 2024 là hội nghị đầu tiên về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tại Việt Nam sẽ giúp quốc gia tiến sâu hơn vào kỷ nguyên mới của AI.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại hội nghị GenAI Summit 2024 diễn ra ngày 18/8 tại TP.HCM chia sẻ: “Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD); trong đó, có sự đóng góp rất lớn của Al trong các lĩnh vực kinh tế số. Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu Al”.

Với đội ngũ nhân lực trẻ có nền tảng toán học và kỹ thuật tốt cùng sự hỗ trợ và khích lệ thích hợp từ phía Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể bắt kịp các nước khác trong khu vực.

Kỷ nguyên AI: Chân trời mới trong lĩnh vực công nghệ - ảnh 1

Các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quốc gia về AI và tạo ra một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực ứng dụng AI như xe tự hành, robot và các ứng dụng trong y tế và công nghiệp...

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể phát triển trí tuệ nhân tạo khi được Chính phủ quan tâm và có những chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển. Việt Nam có nền tảng công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với hàng loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ đang nổi lên, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam có dân số trẻ, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào và quan tâm đến việc học tập và làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM đều đã có những ngành đào tạo chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta có đủ nguồn lực tương lai trong việc phát triển AI sâu rộng trong các ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực.

Đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ lợi ích xã hội

TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google đã tiết lộ những đột phá trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh thông qua các mô hình Gemini tiên tiến của Google. Ông nhấn mạnh cách mà Gemini 1.5 Pro, hạ tầng AI cách mạng của Google, xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn, bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video.

TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google chia sẻ tại hội nghị GenAI Summit 2024.
TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google chia sẻ tại hội nghị GenAI Summit 2024.

Theo TS Jeff Dean, mục tiêu là tạo ra một mô hình tất cả trong một, giải quyết các thử thách về văn bản, hình ảnh, âm thanh và video dưới một mái nhà. Khả năng đột phá này cho phép Gemini đối đầu với những tương tác phức tạp trong AI, vượt trội so với các công nghệ trước đây như GPT-4 của OpenAI.

TS Jeff Dean cũng nhấn mạnh các khía cạnh đạo đức của phát triển AI, ủng hộ 7 nguyên tắc hướng dẫn của Google để đảm bảo AI phục vụ lợi ích xã hội và tính bảo mật được tích hợp trong thiết kế.

Đặc biệt tập trung vào các ứng dụng thực tiễn, những tiến bộ của Gemini đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng chẩn đoán và giám sát môi trường.

Việc GenAI Summit 2024 lần đầu được tổ chức tại Việt Nam cho thấy các chuyên gia, các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tiềm năng trở thành hub công nghệ khu vực của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, hiện nay, nguồn lực chuyên gia về AI còn chưa đủ chín, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để triển khai các dự án lớn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, để phát triển và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào đời sống cũng như các lĩnh vực một cách sâu rộng, cần nguồn vốn lớn. 

Việc áp dụng AI đặt ra nhiều vấn đề về quyền riêng tư, an ninh thông tin và trách nhiệm pháp lý. Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an toàn thông tin.

Tư duy và tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo thiếu am hiểu về AI, dẫn đến hoặc là đầu tư hời hợt, hoặc là đầu tư quá nhiều vào một vị trí (như khoa học dữ liệu), trong khi ít đầu tư vào hạ tầng dữ liệu. Ở Việt Nam tuy đi sau thế giới, nhưng nếu nhận ra các bài học trên sẽ là lợi thế cho chúng ta ứng dụng AI hiệu quả./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/09/2024