Loại bỏ CMND, thẻ Căn cước sẽ có giá trị sử dụng thay những loại giấy tờ nào?
Mới đây, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội đã thông tin thêm về những điểm mới của Luật Căn cước (Số 26/2023/QH15, chính thức có hiệu lực kể từ 1/7/2024).
Trong số những điểm mới của Luật Căn cước, có một điểm đáng chú ý là việc chính thức ‘khai tử’ Chứng minh nhân dân (CMND) kể từ ngày 1/1/2025. Những chứng minh nhân dân hiện vẫn còn thời hạn sẽ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Chính thức loại bỏ CMND kể từ ngày 1/1/2025
Theo như quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước 2023 có nêu rõ, Chứng minh nhân dân vẫn còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Ngoài ra, những loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành và có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân sẽ được giữ nguyên giá trị sử dụng. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng không được phép yêu cầu công dân phải thay đổi hoặc điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Điều này đồng nghĩa với việc, với quy định nói trên thì tất cả những Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng sẽ chỉ được sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2024. Kể từ ngày 1/1/2025, công dân sẽ chỉ được sử dụng Căn cước công dân mã vạch và Căn cước công dân gắn chip (vẫn còn hạn sử dụng) cùng với thẻ Căn cước.
Cần lưu ý rằng, Chứng minh nhân dân hết hạn được sử dụng từ ngày 15/1/2024 cho đến trước ngày 30/6/2024 sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến hết ngày 30/6/2024. Ngoài ra, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý từng phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, căn cước công dân (CCCD) vẫn được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân phải thay đổi hoặc điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Bên cạnh đó, không ít người thắc mắc về việc Chứng minh nhân dân có bị thu hồi sau khi đổi sang thẻ căn cước hay không? Thực tế, Thông tư 59/2021/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021) đã quy định rõ ràng, cơ quan Nhà nước sẽ thu lại Chứng minh nhân dân đang sử dụng trong trường hợp công dân tiến hành làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân (sẽ không còn việc cắt góc rồi trả lại).
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng đã nêu rõ các trường hợp bị cấm dùng Chứng minh nhân dân bao gồm: Khi một người dùng hai hoặc nhiều Chứng minh nhân dân; Khi thôi hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam; Khi ra nước ngoài định cư hoặc Dùng Chứng minh nhân dân của người khác và các trường hợp phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân như Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng; Chứng minh nhân dân bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi họ, tên, chữ đệm hoặc ngày, tháng, năm sinh trong Chứng minh nhân dân; Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước là gì?
Theo như quy định của Điều 20 Luật Căn cước 2023, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước sẽ gồm có những nội dung quan trọng dưới đây:
- Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước cũng như các thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ, với mục đích thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công, các giao dịch cũng như hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ căn cước được sử dụng để thay thế cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế, cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước để thay thế cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
- Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân sẽ được sử dụng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành đúng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải tiến hành xuất trình thẻ căn cước đúng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức và cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc là cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trong trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin có trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ sẽ phải cung cấp giấy tờ và tài liệu có giá trị pháp lý để chứng minh các thông tin đã thay đổi.
- Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước đúng theo quy định của pháp luật./.
- Gay cấn cuộc đua “miễn phí giao dịch” của các công ty chứng khoán
- Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số
- Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi