ISSN-2815-5823
An Phong (tổng hợp)
Thứ hai, 11h09 22/04/2024

Một văn kiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tầm chiến lược sâu sát ở chiến dịch Điện Biên Phủ

(KDPT) - Trong cuốn “Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ” của Đảng ủy Quân sự trung ương- Bộ Quốc phòng- (NXB Quân đội nhân dân, 2004) đã công bố những văn kiện quân sự quan trọng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ban hành trong quá trình chỉ đạo, chỉ huy chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có 49 văn bản chỉ đạo, mật lệnh để báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị nhằm đưa ra những chỉ đạo đúng và trúng cho chiến dịch. Đồng thời một số thư và mật lệnh… nhằm động viên, chỉ đạo kịp thời để định hướng cho bước tiến của ta tại chiến dịch lịch sử này. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024, Kinh doanh và Phát triển đăng tải một báo cáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bí danh Hưng (ngày 30/01/1954), nội dung như sau:

KÍNH GỬI

HỒ CHỦ TỊCH, ĐỒNG CHÍ TRƯỜNG CHINH VÀ BỘ CHÍNH TRỊ

Chúng tôi đã nghiên cứu chủ trương tác chiến mới của ta ở Điện Biên Phủ và chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc với đồng chí Quốc, nay xin phân bốn điểm báo cáo như sau: 

I- CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN MỚI Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ 

Ngày 25, bộ đội ta đã đến đủ ở vị trí tập kết, phần lớn pháo binh cũng đã vào trận địa. Chúng tôi nghiên cứu lại lần cuối cùng tình hình địch, ta để ra lệnh nổ súng thì nhận thấy: 

a) Địch tăng đến 15 tiểu đoàn, tăng một số pháo, sự bố trí ở phía bắc và tây đã mạnh hơn trước; vị trí Hồng Cúm ở phía nam trước chỉ có hai tiểu đoàn thì nay có bốn tiểu đoàn, thêm 12 khẩu lựu pháo, có trường bay mới làm, biến thành một tập đoàn cứ điểm thứ hai để yểm hộ cho Mường Thanh. 

b) Lựu pháo và cao pháo của ta bố trí ở bắc và tây bắc chỉ hợp với kế hoạch đánh nhanh, không hợp với kế hoạch đánh từng bước, vì từ đường ôtô kéo pháo vào phải dùng trên một đại đoàn bộ binh kéo trong tám đêm (trước báo cáo là chỉ cần hai đêm), nếu chiến sự phát triển không thuận lợi thì tiến lui đều khó. 

c) Việc chuẩn bị mọi mặt đều phải tăng cường mới bảo đảm đánh lâu được. 

Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy, chúng tôi quyết định: 

+ Tạm đình ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới. Vận chuyển cao pháo và trọng pháo trở lại phía đông để có thể sử dụng cơ động và đợi khi hệ thống đường kéo pháo phía đông Điện Biên Phủ làm xong sẽ sử dụng. Lệnh chuyển pháo đã được thi hành trong đêm 26, cần phải bảy hôm mới hoàn thành. 

+ Nghiên cứu kế hoạch tiếp tục chuẩn bị về các mặt tân binh, đạn dược, lương thực, đủ đánh cho đến cuối tháng 4. Đường sá từ Yên Bái đến Điện Biên Phủ phải bảo đảm cho xe chạy được trong cả thời gian đó. Làm thêm nhiều con đường cho xe kéo pháo chạy đến gần Điện Biên Phủ để có thể điều động pháo theo nhu cầu chiến đấu. Kế hoạch này chia từng bước để tiến hành định đến 10 tháng 2 thì hoàn thành bước thứ nhất. 

+ Trong lúc ở đây tiếp tục chuẩn bị thì nhanh chóng và bí mật điều động toàn Đại đoàn 308 sang phía lưu vực sông Nậm Hu, bao vây và tiêu diệt từ bốn đến năm tiểu đoàn địch hiện đóng từ Mường Khoa đến Mường Ngòi. Chiều 26, trung đoàn đầu tiên của 308 đã lập tức xuất phát, ngày 27 toàn bộ xuất phát, dự liệu vào khoảng 30 hay 31 thì hoàn thành bao vây địch. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích. Nếu ta thắng ở mạn đó thì tình hình ở Điện Biên Phủ và ở Luông Phabăng có thể thay đổi ít nhiều. 

Trên đây là chủ trương tác chiến mới ở hướng này. Chúng tôi sẽ điện những nhu cầu cụ thể về nhân vật lực để phục vụ một trận chiến đấu rất lớn trong một thời gian khá dài như trên đã nói, mong Trung ương phê chuẩn và cho chỉ thị. 

II - CHỦ TRƯƠNG QUÂN SỰ CỦA TA

TRÊN CÁC CHIẾN TRƯỜNG TOÀN QUỐC VÀ LÀO - MIÊN

Cuộc chiến đấu lớn của ta ở Điện Biên Phủ và Thượng Lào có liên quan mật thiết với tình hình toàn quốc. Ta tiêu diệt được nhanh chóng quân địch ở Điện Biên Phủ hay chưa tiêu diệt được mà vẫn bao vây kiềm giữ chủ lực địch ở đây được thì đối với các chiến trường toàn quốc đều có một tác dụng rất lớn. Chúng tôi xin phân tích tình hình quân sự trước mắt và đề nghị chủ trương quân sự trong toàn quốc như sau:

1. Tình hình quân sự hiện nay có hai điểm đáng chú ý: 

a) Từ khi ta bắt đầu kế hoạch Đông Xuân thì khắp các chiến trường đều thu được thắng lợi lớn: Lai Châu, Trung Lào, đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu 5, Nam Bộ. 

b) Chủ lực địch trước tập trung phần lớn ở địch hậu Bắc Bộ thì nay đã phân tán lên Điện Biên Phủ và Savanakhét. Không những thế, bộ phận chủ lực còn lại ở địch hậu Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ và Miên nay cũng bị thu hút một phần lớn lên Trung Lào và sa lầy vào cuộc tấn công không đúng lúc của Nava ra Tuy Hòa. địch đã phải bị động đối phó với ta, khiến chủ lực phải phân tán vào những chiến trường không lợi cho chúng như Điện Biên Phủ, khiến các chiến trường địch hậu sơ hở hơn trước nhiều. 

2. Căn cứ vào tình hình dịch, ta nói trên, chủ trương quân sự của ta là tiếp tục hoạt động Đông Xuân theo những phương châm sau đây: 

a) Sự hoạt động ở chiến trường chính diện và sự hoạt động ở chiến trường địch hậu toàn quốc phải kết hợp chặt chẽ với nhau; chiến trường chính diện ra sức kiềm chế giam giữ địch để tất cả các chiến trường địch hậu đẩy mạnh chiến tranh du kích và tiêu diệt sinh lực địch; chiến trường địch hậu tích cực hoạt động và kiềm giữ địch để chiến trường chính diện tiêu diệt địch. Sự phối hợp chính diện và địch hậu trước đây đã được thực hiện chặt chẽ ở Bắc Bộ trong chiến dịch Hòa Bình, nay phải được thực hiện trên chiến trường toàn quốc. Sự phối hợp toàn quốc và giữa các chiến trường Việt - Miên - Lào đã bắt đầu thực hiện trong hơn một tháng nay, nay phải đẩy mạnh lên nữa. Đặc điểm của hoạt động Đông Xuân là bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt - Miên - Lào, chứ không phải hạn chế trong một chiến trường nào. 

b) Hoạt động Đông Xuân của ta cần phải liên tục từ nay cho đến mùa Hè, chứ không phải hạn chế trong một thời gian ngắn; càng kéo dài thì càng khơi sâu nhược điểm của địch, càng tiêu diệt được nhiều địch và buộc địch càng phải phân tán lúng túng. Ngay đến mùa Hè cũng cần nghiên cứu tiếp tục hoạt động một phần nào, thay đổi quy luật mọi năm. Đặc biệt ở Điện Biên Phủ nếu trước Hè chưa tiêu diệt toàn bộ quân địch thì cần kiên trì chiến đấu ngay trong mùa Hè. 

c) Trong kế hoạch hoạt động Đông Xuân, vì ta sẽ giải phóng được nhiều địa phương mới, vì tác chiến kéo dài, nên cần kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ củng cố vùng giải phóng, kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ chấn chỉnh xây dựng bộ đội. Nếu đợi tác chiến xong mới xây dựng bộ đội, mới củng cố địa phương, thì sẽ không duy trì được sự hoạt động bền bỉ và không củng cố được thắng lợi.

Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh tư liệu TTXVN)

III - PHƯƠNG CHÂM HOẠT ĐỘNG

TRÊN TỪNG CHIẾN TRƯỜNG

Trên cơ sở những phương châm chung cho toàn quốc, phương châm cụ thể cho mỗi chiến trường đều khác nhau:

a) Ở Điện Biên Phủ: thì bao vây kiềm giữ địch, tiêu diệt từng bộ phận địch, tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ. Trường hợp địch tình biến hóa có lợi thì có thể dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Trường hợp địch tăng cường thì có thể dùng bộ phận chủ lực tiến về phía Luông Phabăng, Phông Xa Lỳ tiêu diệt địch và giải phóng địa phương, cô lập địch ở Điện Biên Phủ. 

b) Ở Trung và Hạ Lào: hiện đã giải phóng phần lớn tỉnh Thà Khẹt, cần nắm vững phương châm đánh nhỏ ăn chắc, đẩy mạnh hoạt động ở Hạ Lào, mở rộng vùng giải phóng ở đó, liên lạc với Liên khu 5, buộc địch từ chỗ chiếm đóng thành diện đi vào chỗ bố trí thành tuyến trên đường số 13 và đường số 9. Đẩy mạnh công tác vùng giải phóng và tiến hành gấp rút tổ chức con đường từ Ba Na Phào đi đến đường số 9. 

c) Liên khu 5: hiện chiến dịch miền Tây đã thắng lợi bước đầu, cần hoàn thành chiến dịch, giải phóng cả miền Bắc Công Tum, liên lạc với Hạ Lào và bắt đầu công tác củng cố vùng mới giải phóng. Sau đó sẽ dùng một bộ phận chủ lực mà phát triển về hướng địch yếu giữa Công Tum và Plây Cu hoặc giữa Plây Cu và An Khê. Ở vùng địch đánh ra thì phát triển chiến tranh du kích. Ở toàn địch hậu Liên khu cũng vậy. 

d) Ở đồng bằng Bắc Bộ, cần tiếp tục thực hiện kế hoạch Xuân Hè nhằm đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch khinh quân, mở rộng căn cứ du kích, phát triển vào vùng tạm chiếm nhất là Sơn Tây, cần đẩy hoạt động các chiến trường lên cho đều. Khắc phục tư tưởng ham ăn to đánh lớn và chú trọng việc xây dựng lực lượng. 

đ) Nam Bộ: đẩy mạnh chiến tranh du kích có trọng điểm, mở lại những căn cứ du kích ở địch hậu một cách có trọng điểm, tranh thủ xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích, kiện toàn các tiểu đoàn chủ lực trong tác chiến. 

e) Cao Miên: cần đẩy mạnh hoạt động có trọng điểm, chú trọng gây cơ sở ở Đông Miên và Đông Bắc Miên (Stung Treng và Cổng Pông Thơm) để liên lạc với Hạ Lào. Tranh thủ khuếch trương lực lượng vũ trang. 

IV . TRIỂN VỌNG

Nếu chúng ta thực hiện được kế hoạch trên thì không những chiến trường chính diện sẽ tiêu diệt được sinh lực địch, không những địch hậu Bắc Bộ sẽ thu được nhiều thắng lợi, mà khắp chiến trường miền Nam và Lào - Miên, ta sẽ thu được nhiều thắng lợi mới. Chúng ta có thể giải phóng được toàn Tây Bắc và một phần quan trọng của Thượng Lào, mở được con đường vào Nam đi qua Trung và Hạ Lào, giải phóng miền Bắc Công Tum, uy hiếp Tây Nguyên, mở những căn cứ du kích mới ở Miên, ở Nam Bộ, tạo được điều kiện để thực hiện việc tiến quân vào Nam. Địch sẽ bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, khó thực hiện âm mưu khuếch trương ngụy quân, buộc phải phân tán chủ lực và ngày càng đi vào bị động. Chúng cũng ít có khả năng đánh ra vùng tự do của ta, do đó cuộc cải cách ruộng đất của ta được bảo đảm. Đứng về mặt quốc tế thì lại càng có lợi cho ta. Nói tóm lại, chúng ta sẽ phá được kế hoạch Nava. 

Chúng ta cần thấy trước bọn Pháp - Mỹ còn ra sức cố gắng mang thêm viện binh, tăng thêm vũ khí; hoặc điều chỉnh lực lượng bố trí để mưu củng cố địch hậu, củng cố và đánh rộng ra ở miền Nam, nhưng chúng khó cứu vãn được cục diện khắp toàn quốc và cả ở Lào - Miên. 

Nhưng, muốn tranh thủ được những thắng lợi trên thì toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải có một cố gắng rất lớn, rất tích cực và bền bỉ. 

a) Các cấp chỉ đạo trong quân đội và các cấp ủy của Đảng cần nhận rõ tình hình và thấu triệt chủ trương quân sự của Trung ương. 

b) Các cấp ủy cần nắm vững nhiệm vụ đánh giặc là công tác trung tâm thứ nhất và có quyết tâm huy động nhân vật lực đầy đủ để phục vụ tiền tuyến, đồng thời chú trọng đúng mức đến công tác củng cố vùng giải phóng về mọi mặt (cán bộ, lực lượng vũ trang, đường sá, dân sinh). 

Đề nghị Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị cho chỉ thị về sự nhận định tình hình và chủ trương quân sự nói trên. 

   

Ngày 30 tháng 1 năm 1954

HƯNG

Từ văn kiện báo cáo này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần cho chúng ta có những bước đi từ (đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc) làm nên chiến thắng oai hùng của Việt Nam. Đúng như Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã khẳng định trong cuốn dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng – NXB sự thật (Hà Nội – 1970): “Sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh thắng gần nửa triệu quân xâm lược nhà nghề của một tên đế quốc hùng mạnh. Đó là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh thần kỳ mà chiến công tiêu biểu của nó  - trận Điện Biên Phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc…”.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024