Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân từng bước triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện độc đáo, hiệu quả, giành thắng lợi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Đảng ủy Mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch vận dụng hiệu quả tính ưu việt, độc đáo, sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lãnh đạo, chỉ huy bộ đội, dân công khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Vai trò quan trọng, to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện rõ ở những nội dung khái quát sau đây:
Đánh giá, nhận định chính xác tình hình địch – ta, giúp Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau khi nắm được những nội dung cơ bản của Kế hoạch do viên Tổng chỉ huy thứ 7 đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là Nava (Navarre)[1] xây dựng và được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7/1953, Tổng Quân ủy – Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu xây dựng Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 nhằm phá, tiến tới làm thất bại Kế hoạch Nava. Trên cơ sở Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút bỏ Tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Sơn La) ngày 12/8/1953; trên cơ sở so sánh lực lượng đich – ta vào mùa khô 1953-1954[2], đến cuối tháng 8/1953, Bộ Tổng tham mưu báo cáo Tổng Quân ủy bản kế hoạch tác chiến với 4 nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá bình định của địch; Bộ đội chủ lực dùng phương thức hoạt động thích hợp để tiêu diệt địch, có thể tác chiến lớn trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện bộ đội; Có kế hoạch bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do; Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán khối cơ động chiến lược của địch ở đồng bằng Bắc Bộ.
Đầu tháng 10/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họp Hội nghị mở rộng tại Định Hóa (Thái Nguyên) bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình địch, những nội dung chính của Kế hoạch Nava, nhận định của Tổng Quân ủy về việc quân Pháp rút bỏ Nà Sản… Thay mặt Tổng Quân ủy, Đại tướng đề nghị: Để giữ vững và phát huy quyền chủ động, cần dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động đối phó. Tiếp tục khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới. Theo dõi sát tình hình, khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tiêu diệt sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Trên chiến trường Bắc Bộ, sẽ mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào. Hướng thứ hai là Trung Lào. Hướng thứ ba là Hạ Lào…
Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng[3]. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng nhấn mạnh phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, thông qua bản đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận Hội nghị: Về phương hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”[4].
Sau khi kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 được thông qua, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể cho các hướng Tây Bắc, hướng Trung – Hạ Lào, hướng Tây Nguyên và hướng phối hợp ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Trên hướng chính Tây Bắc, Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiêu diệt quân địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Tiếp đó, phối hợp với Trung đoàn 148 của khu Tây Bắc, bộ đội tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng Pa thét Lào giải phóng tỉnh Phongxalỳ, giúp cách mạng Lào mở rộng khu căn cứ ở Thượng Lào.
Trung tuần tháng 11/1953, Đại đoàn 316 (thiếu) xuất phát từ Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc. Cùng thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì Hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 tại Thái Nguyên. Cơ quan quân báo của Pháp phát hiện sự di chuyển của Đại đoàn 316 hướng lên Tây Bắc, đã gấp rút báo cáo cho Tổng chỉ huy Nava. Nhận thấy Lai Châu, Thượng Lào bị uy hiếp, Nava và Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ quyết định mở cuộc hành quân mang tên “Con Hải Ly” (Castor) nhanh chóng cho các tiểu đoàn dù nhảy xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ bắt đầu từ sáng ngày 20/11/1953. Nhận được tin về phản ứng của Bộ chỉ huy Pháp, ngay trong đêm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khẩn cho Đại đoàn 316, nhận định: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta, tình hình căn bản có lợi cho ta… Nắm cơ hội tốt, tạo cơ hội tốt để tiêu diệt địch”[5]. Ngày 24/11, kết luận Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tác chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: ‘Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dù ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là: Nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để bảo vệ cho Tây Bắc, che chở cho Thượng Lào, phá vỡ kế hoạch tiến công của ta… Chúng có thể vừa giữ Điện Biên Phủ, vừa giữ Lai Châu, một nơi chính, một nơi phụ, có thể lấy Điện Biên Phủ làm chính. Nếu bị uy hiếp, chúng có thể co về một nơi và tăng viện thêm một phần nào; cũng chưa nhất định co về nơi nào, nhưng khả năng co về Điện Biên Phủ nhiều hơn. Nếu bị uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm, trong trường hợp này chúng có thể lấy Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa. Nhưng chúng cũng có thể rút. Vô luận rồi đây địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là căn bản có lợi cho ta…”[6]. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi kỹ, chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch giải phóng Lai Châu, chuẩn bị phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ, phối hợp với các lực lượng cách mạng Lào ở Thượng Lào… để khẩn trương làm tờ trình Tổng Quân ủy.
Những phân tích, nhận định khoa học, chính xác về âm mưu và tình hình diễn biến của địch ở Tây Bắc, Điện Biên Phủ những ngày sau đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở để Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Ngày 6/12/1953, Tờ trình của Tổng Quân ủy được gửi lên Bộ Chính trị, dự kiến: Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ là 45 ngày. Trận đánh có thể bắt đầu vào tháng 2/1954. Đây “sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, sẽ phải sử dụng ba đại đoàn bộ binh, toàn bộ pháo binh, công binh, lực lượng phòng không. Nếu kể cả cơ quan chỉ huy chiến dịch, các đơn vị trực thuộc, bộ đội bảo vệ tuyến cung cấp, bộ đội bổ sung, thì quân số tổng quát của chiến dịch sẽ là 42.000 người. Phương châm tác chiến đánh trận Điện Biên Phủ trình Bộ Chính trị được chuẩn bị theo tinh thần “Đánh chắc tiến chắc”[7]. Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Diện Biên Phủ.
Như vậy, từ chỗ không có trong dự kiến kế hoạch tác chiến ban đầu của cả ta và Pháp, Điện Biên Phủ đã nhanh chóng trở thành trận quyết chiến chiến lược của cả hai bên. Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhận định, phán đoán âm mưu, hành động của địch, khả năng tác chiến của bộ đội ta, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra quyết định mở chiến dịch lịch sử nhằm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cố gắng quân sự cao nhất, hình thức phòng ngự quy mô lớn nhất của quân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương, là rất to lớn và quan trọng.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”
Trên cơ sở quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phận Tiền phương của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Chỉ huy chiến dịch và Cố vấn quân sự Trung Quốc đã lên đường đi Tây Bắc chuẩn bị chiến trường. Sau khi khảo sát tập đoàn cứ điểm Nà Sản mà quân Pháp đã rút bỏ đầu tháng 8/1953, đoàn cán bộ đi lên Điện Biên Phủ nghiên cứu thực địa, tình hình bố phòng trận địa của quân Pháp ở đó, nhận định khả năng tác chiến đánh tập đoàn cứ điểm của bộ đội ta, kinh nghiệm tác chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc… đã đi đến xác định phương châm tác chiến chiến dịch là “Đánh nhanh giải quyết nhanh”, thời gian dự kiến kết thúc trận đánh trong vòng 2 đêm 3 ngày trong điều kiện quân Pháp chưa đông, chưa tổ chức bố phòng chặt chẽ và công tác đảm bảo vật chất, kỹ thuật của ta chưa có nhiều nhưng tinh thần chiến đấu của bộ đội đang lên cao, vấn đề kéo pháo vào trận. Đại đoàn 316 được lệnh gấp rút tiến lên đánh địch giải phóng Lai Châu, không cho chúng rút về Điện Biên Phủ. Các đơn vị Trung đoàn 36 của Đại đoàn 308, Trung đoàn sơn pháo 675 của Đại đoàn công pháo 351 được lệnh khẩn trương hành quân lên Điện Biên Phủ nhằm chốt chặn không cho quân Pháp rút chạy sang Lào. Các công tác chuẩn bị sửa đường, mở rộng, làm đường mới, huy động dân công, phương tiện vận chuyển vật chất, kỹ thuật, lương thực được triển khai nhanh chóng, đồng bộ… Ý định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bịt các ngả đường, bao vây, không cho địch rút khỏi Điện Biên Phủ. Trong lúc này, Bộ Chỉ huy Pháp tiếp tục điều động bằng đường hàng không lực lượng, phương tiện vũ khí, trang bị lên Mường Thanh và quyết định rút bỏ Lai Châu co về xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh để thu hút chủ lực ta.
Đầu tháng 1/1954, sau khi đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ phận cơ quan chỉ huy nhẹ của Chiến dịch và Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh rời khu căn cứ ra mặt trận. Ngày 13/1, Đại tướng đến Sở Chỉ huy chiến dịch đặt tại hang Thẩm Púa, gần đường Tuần Giáo đi Điện Biên. Trong cuộc hội ý Đảng ủy Mặt trận, các ý kiến phát biểu đều cho rằng nếu không đánh sớm, địch có thể tăng quân, tăng cường bố phòng tập đoàn cứ điểm, trận đánh sẽ kéo dài, ta sẽ gặp khó khăn trong tiếp tế vì Điện Biên Phủ cách hậu phương quá xa và địch thường xuyên ném bom bắn phá trên đường vận chuyển của ta… Các ý kiến nêu ra lúc đó có cơ sở nhưng vẫn không làm cho người Chỉ huy trưởng chiến dịch thấy thuyết phục và yên tâm. Sau khi hội ý Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ động gặp Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc, nêu suy nghĩ về sự mạo hiểm nếu chọn phương án “Đánh nhanh giải quyết nhanh” vì so sánh lực lượng trên chiến trường, ta không ta huy động toàn bộ sức mạnh để tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh chỉ trong một vài ngày… Đồng chí Vi Quốc Thanh nghe xong, trả lời Đại tướng rằng đồng chí đã gặp Cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh, và các cố vấn Trung Quốc cùng đi với cán bộ Việt Nam, họ đều chung suy nghĩ là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng. Trưởng đoàn Cố vấn nói tiếp: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch có thể tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều điện công kích quân địch”[8]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng vì mới tới mặt trận, chưa nắm rõ tình hình mọi mặt nên chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án của các đồng chí đi trước đã lựa chọn, cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Đại tướng vẫn gặp các đồng chí Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục phó Cục Quân báo nói về suy nghĩ của mình, chỉ thị theo dõi chặt tình hình địch, báo cáo thường xuyên và kịp thời cho đồng chí.
Sáng ngày 14/1, Hội nghị phổ biến mệnh lệnh chiến đấu cho chỉ huy quân sự, chính trị các đơn vị tham gia chiến dịch được tổ chức quanh một sa bàn lớn đặt tại trước cửa hang Thẩm Púa. Nhiệm vụ thọc sâu đánh từ hướng Tây vào trung tâm tập đoàn cứ điểm được giao cho Đại đoàn 308. Các đại đoàn 312, 316 sẽ đột kích vào hướng Đông, nơi quân Pháp bố trí tập trung lực lượng trên những điểm cao trọng yếu, có thể ứng cứu, hỗ trợ cho nhau nếu bị ta tiến công. Trận đánh sẽ diễn ra 2 ngày 3 đêm, thời gian nổ súng mở màn chiến dịch dự kiến là chiều ngày 20/1/1954. Vì thế, cần tập trung lực lượng làm đường, mở đường kéo pháo vào trận địa dã chiến. Kết thúc Hội nghị, tuy biết được các đơn vị đều thể hiện sự hăng hái, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhưng Đại tướng cũng thấu hiểu những suy nghĩ, khó khăn nặng nề về cách đánh, về vũ khí, hỏa lực, về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, giải quyết thương binh, tử sĩ…trước một trận đánh lớn chưa từng có, mang tính quyết định của các chỉ huy đơn vị. Vì vậy, đồng chí động viên: “Hiện nay địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí”[9].
Mọi công tác chuẩn bị cho ngày mở màn chiến dịch được tiến hành rất khẩn trương, đặc biệt là việc làm đường để kéo pháo vào trận địa. Do không có sẵn đường cho xe kéo pháo vào tới trận địa nên các khẩu pháo nặng hơn 2 tấn mỗi khẩu phải kéo bằng tay trên quãng đường khoảng 15 km đường rừng núi. Ngày 15-1, các đơn vị vừa mở đường, vừa ngụy trang đường để hạn chế máy bay của quân Pháp phát hiện, ném bom, vừa kéo pháo. Thời gian dự kiến pháo được kéo đến trận địa chiến đấu là ngày 19-1 để kịp nổ súng vào hôm sau. Mặc dù bộ đội đã hết sức cố gắng, nhưng do nhiều khó khăn, đặc biệt là mở đường mới, nên đến ngày 19-1, các khẩu pháo mới kéo được nửa chặng đường. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch buộc phải lùi thời gian nổ súng đến ngày 25-1 để chờ pháo binh có mặt cùng tác chiến. Một sự kiện không may xảy ra: một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị quân báo của Pháp bắt, lo ngại bị lộ ngày giờ nổ súng nên Bộ Chỉ huy chiến dịch lại quyết định lùi thời gian nổ súng đến 17 giờ ngày 26-1-1954.
Trong khoảng thời gian từ 14 đến 25-1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho các đơn vị, nhất là bộ phận quân báo phải báo cáo cập nhật tình hình lực lượng và sự bố phòng của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm và tình hình chuẩn bị của các đơn vị quân ta. Đại tướng nhận thấy có ba trở ngại lớn mà bộ đội chưa khắc phục được:
Một là, trong suốt những năm kháng chiến, bộ đội chưa từng đánh thắng, tiêu diệt gọn một cứ điểm lớn có 1 tiểu đoàn tăng cường quân Pháp đóng giữ, trong khi đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại có tới 49 cứ điểm liên hoàn, có thể hỗ trợ cho nhau, chia ra thành 8 trung tâm đề kháng ở 3 phân khu, do hơn 16.000 quân Pháp và một bộ phận lính người Thái đóng giữ, có máy bay, pháo binh chi viện.
Hai là, bộ đội ít khi chiến đấu trong điều kiện ban ngày, trên một địa hình bằng phẳng như lòng chảo Điện Biên Phủ, không có nơi ẩn nấp nên dễ bị máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá sát thương.
Ba là, bộ đội chưa quen tác chiến hiệp đồng binh chủng trong một chiến dịch quy mô lớn; nên đã có trường hợp một cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn bộ binh gọi điện thoại trực tiếp cho Đại tướng đề nghị trả pháo vì không quen phối hợp tác chiến với pháo binh, chưa kể quân Pháp cũng đang tìm mọi tăng cường bố phòng cho tập đoàn cứ điểm và tìm kiếm thông tin về thời gian nổ súng mở màn của ta…
Tuy tinh thần bộ đội trước khi vào trận lên cao, nhưng ở cương vị người chỉ huy cao nhất, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, là “vốn liếng” chủ yếu của cả cuộc kháng chiến đến lúc đó mới xây dựng được, thắng-bại của chiến dịch có quy mô lớn nhất, quan trọng nhất lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định đúng-sai của người chỉ huy. Với suy nghĩ như vậy, Đại tướng đi đến kết luận cho rằng nếu vẫn sử dụng phương án “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì rất mạo hiểm, không đảm bảo chắc thắng. Đại tướng nhớ lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trước lúc ra trận: Giao cho chú toàn quyền tướng quân tại ngoại, nếu có vấn đề gì thì họp Đảng ủy, trao đổi với Đoàn cố vấn quân sự để quyết định, báo cáo Trung ương sau. Trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh[10].
Từ những suy nghĩ như trên, sáng sớm ngày 26-1-1954, Đại tướng đã chủ động gặp Trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh trao đổi, thông báo ý định hoãn cuộc tiến công mở màn chiến dịch để chuẩn bị thêm theo tinh thần “chắc thắng mới đánh”. Sau khi nhận trao đổi, cân nhắc, nhận được sự đồng tình của Vi Quốc Thanh, Đại tướng đã khẩn trương triệu tập cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận, bàn bạc, trao đổi và đã lấy tư cách là Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc tiến chắc”, dừng trận đánh mở màn chiến dịch chiều hôm đó, rút các đơn vị đã áp sát mục tiêu ra ngoài, kéo pháo ra để làm hầm chắc chắn cho pháo, chuẩn bị thêm về cách đánh tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị về hậu cần, tiếp tế… Mặc dù lúc đầu có ý kiến không đồng tình trong Đảng ủy Mặt trận và cả trong một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhưng thực tế diễn biến chiến dịch đã chứng tỏ quyết định thay đổi phương châm tác chiến vào phút chót của Đại tướng là hoàn toàn chính xác và đúng đắn. Thực tế diễn biến chiến dịch đã chứng tỏ: phải sau 56 ngày đêm (từ 13/3 đến 7/5/1954) chiến đấu gian khổ, ác liệt, với nhiều hy sinh, tổn thất, quân và dân ta mới tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện rõ tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với quyết định táo bạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trong việc thay đổi phương châm tác chiến vào phút chót, Đại tướng đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Tư duy quân sự của Đại tướng về chiến tranh nhân dân đối đầu và đánh thắng đội quân nhà nghề của thực dân Pháp xâm lược, được đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp và đảm nhận tới 78% chi phí chiến tranh tới thời điểm đầu năm 1954, đã thể hiện tính ưu việt của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, đánh chắc thắng, vừa đánh vừa bảo toàn được lực lượng để đánh lâu dài, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vận dụng thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Về sự kiện này, phía Pháp đã tỏ ra tiếc nuối khi Đại tướng đã tỉnh táo, sáng suốt quyết định khi chuyển phương châm, hoãn trận đánh mở màn để chuẩn bị thêm, không mắc mưu khiêu khích của kẻ thù. Tổng chỉ huy Nava đã chỉ thị cho cấp dưới thả truyền đơn thách thức Đại tướng đánh vào tập đoàn cứ điểm sau khi biết rằng chính Đại tướng đã quyết định chuyển cách đánh. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Các chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đánh giá đây là quyết định dũng cảm, bình tĩnh, sáng suốt của Đại tướng khi nhận thấy không thể giành thắng lợi chỉ bằng quyết tâm, bằng sức mạnh tinh thần.
Trong lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp chiến dịch
Chỉ đạo động viên sức mạnh chính trị, tinh thần bộ đội tham gia chiến dịch
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thức sâu sắc rằng, trong cuộc chiến không cân sức, để chiến thắng kẻ địch có ưu thế về sức mạnh quân sự, vũ khí trang bị, ngoài yếu tố chiến đấu dũng cảm, cần phải động viên đến mức cao nhất lòng yêu nước, sự giác ngộ chính trị, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và niềm tin vào thắng lợi cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch. Sức mạnh tinh thần sẽ biến thành sức mạnh vật chất to lớn khi biết cách động viên, tuyên truyền cho mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược, từ đó giáo dục, xây dựng ý chí đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chiến đấu. Sức mạnh tinh thần được xây dựng và bồi đắp cho cán bộ, chiến sĩ là cơ sở của lòng dũng cảm, thúc đẩy trí thông minh, sáng tạo trong chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc bộ đội kéo bằng tay hàng chục khẩu pháo vào trận địa là minh chứng cho sức mạnh tinh thần có thể khắc phục mọi khó khăn, ác liệt tưởng chừng không thể làm được, thể hiện lòng “quyết tâm còn cao hơn núi” trong trận đánh quyết định với kẻ thù. Việc bộ đội đào đường hầm dài hàng chục mét vào trong lòng Đồi A1 trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, để đưa gần 1 tấn thuốc nổ vào…, cũng là minh chứng của sức mạnh tinh thần có thể khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để giành thắng lợi. Trong đợt hai của chiến dịch, các trận đánh ác liệt, kéo dài với sự thương vong lớn, thời tiết mưa nhiều không thuận lợi, bộ đội sinh hoạt hầu hết ở dưới hầm, hào giao thông, sức khỏe không đảm bảo…, tinh thần chiến đấu giảm sút, mỏi mệt. Nắm bắt kịp thời tình hình đó, với cương vị Bí thư Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo mở hội nghị cán bộ tại các đơn vị và trên toàn mặt trận trao đổi, phân tích nguyên nhân, đề ra các biện pháp thiết thực, phù hợp nhằm giải quyết tình hình, động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Đây là việc làm rất đúng đắn và cần thiết, đã góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu, khắc phục khó khăn cho bộ đội.
Đại tướng quan tâm chỉ đạo cụ thể đến sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của bộ đội: “Trong một cuộc họp cán bộ, tôi nêu vấn đề cần đảm bảo sinh hoạt bình thường của bộ đội tại trận địa… Tôi nói: Bộ đội chiến đấu liên tục năm tháng liền, chuyện không bình thường đã trở thành bình thường… Ta vẫn có thể bình thường hoá sinh hoạt của bộ đội, như tổ chức cho anh em luân phiên về phía sau tắm giặt, cố tìm rau xanh, đảm bảo cho anh em ăn cơm nóng, uống nước nóng. Việc tổ chức hầm ngủ cho sạch sẽ, nằm đủ duỗi chân, có cỗ bài tú-lơ-khơ, sách báo cho anh em giải trí… đều là những việc hoàn toàn có thể làm được. Không đảm bảo sinh hoạt bình thường cho bộ đội để giữ gìn sức khoẻ, sẽ không đảm bảo phương châm “Đánh chắc tiến chắc” đi tới thắng lợi”[11]. Các tờ báo tại mặt trận kịp thời đăng bài động viên những gương chiến đấu hiệu quả, khắc phục khó khăn, sáng kiến cải thiện điều kiện ăn ở, tuyên truyền tin chiến thắng, thư từ hậu phương. Các tổ văn công mặt trận chia nhau đến từng hầm pháo, trạm quân y đem lời ca, tiếng hát động viên bộ đội chiến đấu, thương binh yên tâm điều trị. Các tổ nuôi quân cố gắng hết sức mình đảm bảo cơm nóng, canh ngọt cho bộ đội có đủ sức khỏe chiến đấu… Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, dài ngày đó, yếu tố sức mạnh tinh thần được động viên, phát huy, đóng vai trò rất quan trọng vào thắng lợi.
Chỉ đạo cách đánh sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch và Đảng uỷ Mặt trận đã lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch triển khai thực hiện các hoạt động chuẩn bị chiến đấu và tác chiến rất sáng tạo, hiệu quả trong suốt quá trình chiến dịch, thể hiện rõ nét nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Mặc dù chủ động lựa chọn mục tiêu, phương châm tác chiến và thời gian mở màn chiến dịch, nhưng trước kẻ địch phòng thủ trong một tập đoàn cứ điểm kiên cố, lực lượng đông, có vũ khí trang bị mạnh, lại được sự hỗ trợ tối đa của Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định áp dụng và phát huy tính ưu việt, hiệu quả của chiến tranh nhân dân, thể hiện trong triển khai linh hoạt cách đánh nhằm phát huy thế mạnh, sở trường của bộ đội, đồng thời hạn chế, khoét sâu điểm yếu của địch. Điều này thể hiện ở mấy điểm sau:
Đó là việc quyết định tập trung lực lượng ưu thế hơn địch trên quy mô cả chiến dịch cũng như trong từng trận chiến đấu, chủ động tiến công vào tập đoàn cứ điểm kiên cố, quy mô lớn nhất và có lực lượng đông nhất của quân Pháp kể từ đầu cuộc chiến tranh. Tổng quân số tham gia chiến dịch lên tới hơn 50.000 so với hơn 16.000 quân địch (tỷ lệ ta-địch là 3,3/1), vượt xa con số 42.000 dự kiến lúc đầu. Đó là đã huy động được hơn 262.000 dân công các địa phương tham gia phục vụ chiến dịch (tỷ lệ 5 dân công/1 bộ đội); huy động và chuyên chở bằng các phương tiện từ các địa phương và tại các tỉnh thuộc Tây Bắc cho mặt trận hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, đảm bảo tác chiến dài ngày với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”; “Tất cả để chiến thắng”. Điều này cho thấy chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động được sức mạnh cao nhất của chiến tranh nhân dân. Cuộc kháng chiến đã có sự phát triển vượt bậc từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, đánh thẳng vào hình thức phòng ngự cao nhất của quân Pháp bằng một chiến dịch công kiên trận địa quy mô lớn nhất, cách đánh phù hợp với khả năng và trình độ tác chiến của bộ đội.
Đó là vừa phải sửa chữa, mở mới hàng trăm ki lô mét đường, vừa nguỵ trang, đánh trả máy bay ném bom của Pháp, để vận chuyến, vừa tổ chức kéo pháo bằng tay trên quãng đường dài, vượt núi, băng rừng, đưa pháo vào trận địa. Khi phương châm tác chiến thay đổi, lại kéo pháo ra, làm hầm chắc chắn cho pháo rồi lại kéo vào trận địa. Đây là một kỳ công trong lịch sử quân sự thế giới, một ví dụ nổi bật về cách đánh và thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện đảm bảo chắc thắng cho chiến dịch. Đại tướng và Bộ chỉ huy chiến dịch nhận thức rõ ràng vai trò có ý nghĩa quyết định của pháo binh khi đánh tập đoàn cứ điểm có nhiều lô cốt, boong ke được xây dựng bằng xi măng cốt thép, không thể dùng vũ khí bộ binh, vũ khí hạng nhẹ giành được chiến thắng. Đây là điều khiến kẻ thù hoàn toàn không thể ngờ tới khi bộ đội ta đã dùng sức người để kéo pháo vào trận địa khi không có đường cho xe kéo pháo, nên đã hoàn toàn bị động đối phó.
Đó là cách đánh trận địa bao vây toàn bộ tập đoàn cứ điểm và các cứ điểm riêng biệt bằng hệ thống chiến hào đào bằng tay dài hàng trăm kilômét, vừa đánh “bóc vỏ” từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiêu diệt các trung tâm đề kháng, đào chiến hào cắt ngang đường băng sân bay Mường Thanh, không cho máy bay địch hạ cánh tiếp tế hàng hoa, chi viện lực lượng, vừa xiết chặt vòng vây bằng hào giao thông theo kiểu xoáy trôn ốc, dần dần thu hẹp phạm vi kiểm soát, chiếm đóng của quân Pháp trong khu Trung tâm mỗi chiều chỉ còn khoảng 500 mét trong những ngày cuối cùng của chiến dịch.
Đó là cách đánh phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa pháo binh, pháo phòng không và bộ binh. Cách đánh này đã từng bước triệt đường tiếp tế bằng đường không – con đường tiếp tế duy nhất cho tập đoàn cứ điểm, khiến cho quân Pháp lâm vào cảnh khốn quẫn, thiếu vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, nước uống, muốn phá vây nhiều lần nhưng không thực hiện được, khiến cho tinh thần chiến đấu của chúng giảm sút, hoang mang, tuyệt vọng. Các khẩu pháo được bố trí trong hầm, ở trên các sườn núi, sườn đồi, từ trên cao khống chế các cứ điểm, sân bay, bắn xe tăng, xe bọc thép, pháo kích vào đội hình địch phản kích hòng san lấp hào giao thông do bộ binh ta đào. Các khẩu pháo cao xạ khống chế bầu trời, bắn rơi nhiều máy bay ném bom và máy bay vận tải của địch buộc máy bay phải bay cao ném bom, thả dù tiếp tế nên không hiệu quả. Các đơn vị bộ binh vừa chiến đấu, vừa ngày đêm đào hào lấn dũi, thu hẹp phạm vị đóng giữ của địch
Đó là kỳ công sáng tạo của bộ đội công binh đã đào đường hầm để đưa khối bộc phá vào phía dưới hầm ngầm cố thủ của quân Pháp ở Đồi A1. Tiếng nổ của khối bộc phá tối ngày 6 tháng 5 năm 1954 đồng thời là hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội xung phong đánh chiếm Đồi A1, cứ điểm lợi hại nhất của quân Pháp, kết thúc trận chiến đấu ác liệt nhất, kéo dài nhất (38 ngày đêm), mở toang cánh cửa tiến vào Phân khu Trung tâm, đánh chiếm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi này đánh dấu nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển đến đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Trong chiến công chung oanh liệt, vẻ vang này, có phần đóng góp quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng xuất chúng, văn võ song toàn, người đã vận dụng xuất sắc, sáng tạo, hiệu quả và đặc sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
[1] Gồm: Lơcléc (Leclerc), Valuy (Valluy), Bledô (Blaizot), Cácpăngchiê (Carpentier), Đờ Lát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny), Xalăng (Salan).
[2] Dẫn theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, trang 869, 870. So sánh lực lượng về quân số: địch có 445.000quaan, gồm 146.000 quân Âu Phi (33%), 299.000 quân ngụy (67%). Tổng quân số của ta là 252.000. Như vậy địch đông quân hơn ta 193.000 người. Địch có 267 tiểu đoàn (biên chế từ 800 đến 1000 quân), ta có 127 tiểu đoàn (biên chế 635 quân), với 6 đại đoàn, 18 trung đoàn và 19 tiểu đoàn, đơn thuần là bộ binh. Về pháo binh, Pháp có 25 tiểu đoàn, quân ngụy có 8 tiểu đoàn. Ta có 2 trung đoàn, 8 tiểu đoàn và 4 đại đội. Về không quân, Pháp có 580 máy bay, quân ngụy có 25 chiếc. Về hải quân, Pháp có 391 tàu, quân ngụy có 104 tàu nhỏ và 3 tàu phóng ngư lôi.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 876.
[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 878.
[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 886.
[6] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 886, 887.
[7] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 890, 891.
[8] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 918, 919.
[9] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 919.
[10] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 900.
[11] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký. Sđd, trang 1061.