Năm 2025 sẽ là năm đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, công nghệ đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ những chiếc máy tính cồng kềnh phải sử dụng thẻ đục lỗ vào năm 1980, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể làm được vô số điều phi thường. Vậy đến năm 2025, công nghệ sẽ còn mang đến những đột phá gì? Dưới đây là 7 xu hướng công nghệ đáng chú ý mà bạn nên theo dõi.
Trí tuệ nhân tạo (AI) bước vào kỷ nguyên mới
AI đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Năm 2025, các AI agent – chương trình thông minh được thiết kế để tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp sẽ trở nên phổ biến hơn.
Những công ty như Tesla đang dẫn đầu xu hướng này. Elon Musk tiết lộ rằng robot hình người Optimus sẽ được sử dụng trong các nhiệm vụ sản xuất từ năm 2025, và có thể được bán cho các doanh nghiệp khác từ năm 2026.
Không chỉ trong sản xuất, AI agent có thể thay thế các ứng dụng đơn lẻ trên smartphone, tối ưu hóa quy trình làm việc và hỗ trợ xử lý các tác vụ như quản lý dự án, duyệt đơn vay thế chấp hoặc thậm chí viết mã.
Tùy chỉnh cá nhân hóa nhờ AI
Giáo dục và kinh doanh sẽ chứng kiến bước tiến vượt bậc trong việc cá nhân hóa trải nghiệm. Trong giáo dục, các chương trình học sẽ được tùy chỉnh theo nhu cầu từng cá nhân, từ nội dung bài học đến cách tiếp cận dựa trên dữ liệu từ thiết bị đeo thông minh. Tại Mỹ, các trường đại học đã bắt đầu thử nghiệm chương trình học linh hoạt dựa trên công nghệ AI.
Trong kinh doanh, các công ty có thể tự phát triển mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) – phiên bản AI chuyên biệt hóa cho từng ngành, không cần lượng lớn dữ liệu như trước. Công nghệ này có thể được tích hợp trực tiếp vào các thiết bị di động, giúp tăng hiệu quả mà không phụ thuộc vào hệ thống đám mây.
Máy tính lượng tử ngày càng thực tiễn
Máy tính lượng tử đang tiến gần hơn đến khả năng ứng dụng thực tế. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng số lượng qubit (đơn vị xử lý của máy tính lượng tử), các nhà khoa học đang nỗ lực khắc phục lỗi để tạo ra những hệ thống ổn định hơn.
Những máy tính này sẽ giúp giải quyết các vấn đề phức tạp vượt xa khả năng của máy tính truyền thống, từ mô phỏng phân tử hóa học đến tối ưu hóa logistics toàn cầu.
Kết hợp thực tế ảo và thực tế tăng cường
Các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR) đang ngày càng phổ biến.
Apple, Meta và nhiều công ty công nghệ khác sẽ tiếp tục phát triển các thiết bị hỗ trợ như kính Vision Pro hay Quest. Những công nghệ này không chỉ phục vụ giải trí mà còn ứng dụng trong giáo dục, y tế và quản lý doanh nghiệp, tạo ra sự kết nối liền mạch giữa thế giới ảo và thực.
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) lan tỏa rộng rãi
Blockchain không chỉ là nền tảng cho tiền mã hóa mà còn có tiềm năng lớn trong các ngành như y tế, tài chính và chuỗi cung ứng.Trong y tế, blockchain có thể bảo mật dữ liệu bệnh nhân, theo dõi thuốc và tạo ra các giao dịch dữ liệu an toàn hơn. Trong tài chính, công nghệ này sẽ giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ và mang lại sự minh bạch, giúp tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn.
Thời đại của mạng 6G
Công nghệ 6G, được dự đoán sẽ bắt đầu chuẩn hóa từ năm 2025, mang lại tốc độ kết nối nhanh hơn gấp nhiều lần so với 5G. Điều này không chỉ thúc đẩy truyền thông mà còn hỗ trợ các công nghệ tiên tiến khác như AI và IoT (Internet of Things), mở ra kỷ nguyên mới cho kết nối toàn cầu.
Xe tự lái tiến gần đến tự động hóa hoàn toàn
Hiện tại, các xe tự lái đã đạt mức tự động hóa cấp 4 (có thể tự vận hành với một số hạn chế). Đến năm 2025, ngành công nghiệp này sẽ hướng đến cấp 5 - xe tự hành hoàn toàn không cần con người can thiệp.Tesla và Mercedes đang đi đầu với các sản phẩm như Robotaxi và Drive Pilot, dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông vận tải, giảm thiểu tai nạn và tối ưu hóa hành trình./.
- Doanh nghiệp tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như chiếc chìa khóa mở cánh cửa phát triển kinh tế
- Doanh nghiệp đau đầu khi nhân sự chưa thực sự "hiểu" được trí tuệ nhân tạo (AI)