ISSN-2815-5823

Năng suất lao động một số ngành của Việt Nam thua Campuchia

(KDPT) – Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với trọng tâm “Hiểu về thị trường lao động để tăng năng suất” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày 8/5. Theo đó năng suất lao động của Việt Nam thấp gần nhất trong 9 nước Đông Bắc Á và ASEAN.

Năng suất lao động thấp là một trong những bài toán đặt ra từ lâu đối với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo đơn vị nghiên cứu, năng suất lao động bình quân của lao động Việt Nam tính theo giá hiện hành tăng từ 38,64 triệu đồng năm 2006 lên 60,73 triệu đồng vào cuối năm 2017. Trên phương diện so sánh quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia).

Tuy nhiên, VEPR cho biết, kết quả cho thấy, tới năm 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đang ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên. Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, thậm chí xếp sau Campuchia ở 3 ngành gồm: công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải – kho bãi – truyền thống.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: nông nghiệp, điện – nước – khí đốt, bán buôn – bán lẻ – sửa chữa. Việt Nam có năng suất lao động cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành: khai mỏ và khai khoáng, tài chính – bất động sản – dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng – xã hội – cá nhân.

Trước đó, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005 – 2014. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc .

PV

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024