ISSN-2815-5823

Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay liệu có tăng?

(KDPT) - Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay khó tăng trở lại. Thêm nữa, Chính phủ cũng chủ trương giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm lan rộng

Ngày 21/6/2024, thêm nhiều ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động. Mới nhất trong cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, mức tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 6 tháng lên 3,9%/năm; kỳ hạn 9 tháng đạt 4%/năm và 12 tháng là 4,7%/năm.

ACB cũng tăng lãi suất thêm 0,1% với khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng ở tất cả kỳ hạn. Còn tài khoản từ 1 - dưới 5 tỷ cộng thêm 0,15%/năm lãi suất; lãi suất huy động trực tuyến là 4,9%/năm, áp dụng với tiền gửi từ 5 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Theo thống kê từ đầu tháng 6 đến nay đã có hơn 20 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank. Trong đó, GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, và LPBank đã hai lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 6.

Eximbank thậm chí đã 3 lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng, lần lượt với các kỳ hạn 1-12 tháng, 1-3 tháng, và 6-9 tháng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 15-36 tháng.

Việc tăng lãi suất huy động để
Việc tăng lãi suất huy động để "hút tiền", đáp ứng cầu tín dụng đang tăng lên

Tuy vậy, việc tăng lãi suất chủ yếu ở nhóm ngân hàng tư nhân, nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) tăng lãi suất ít nhất và hiện có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Trong đó, Vietcombank có lãi suất cao nhất là 4,7%/năm.

Tăng lãi suất để “hút tiền”, đáp ứng cầu tín dụng

Theo giới phân tích, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong năm nay không quá đột biến.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 (5,05%).

Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn
Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm, song mức tăng sẽ không lớn

Theo VCBS, lãi suất huy động không còn dư địa giảm thêm dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Cụ thể, áp lực lạm phát dự kiến sẽ tăng từ thời điểm quý 3/2024 dưới áp lực đến từ giá lương thực - thực phẩm tăng; giá điện, giá nhà tăng khi thị trường BĐS hồi phục và điều chỉnh lương cơ sở. Bên cạnh đó, áp lực chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó có thể giảm thêm.

Theo báo cáo phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), trong quý đầu năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, bước sang quý 2, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng.

"Việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này", báo cáo của ABS nhận định.

Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Lãi suất cho vay khó tăng mạnh

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi nhu cầu tín dụng tăng lên thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi, bởi họ cần chuẩn bị vốn để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không đồng đều ở các nhà băng bởi còn do khả năng cạnh tranh của từng ngân hàng.

Chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ không tăng nhiều
Chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ không tăng nhiều

Ông Thịnh cho rằng mặt bằng chung của lãi suất huy động sẽ không tăng quá nhiều, ít nhất là trong vài tháng tới. Do chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vẫn là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên các nhà băng cũng phải tính toán lãi suất hợp lý.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng việc làn sóng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng thời gian qua cho thấy lãi suất tiết kiệm đã qua đáy. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ khó tăng mạnh, đến quý 3/2024 có thể chỉ tăng khoảng 1%.

“Lãi suất tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay khó tăng trở lại, bởi các ngân hàng đang cần “cạnh tranh” để kích cầu dòng chảy tín dụng. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đang khó khăn”, ông Huân nói.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Trong một báo cáo gần đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 bps từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên từ đó tăng nhu cầu huy động.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết “hạ lãi suất là chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua và năm nay vẫn quyết liệt”. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động…/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024