ISSN-2815-5823

Áp lực tỷ giá sẽ dần giảm xuống vào cuối năm khi lãi suất nhích dần?

(KDPT) - Chia sẻ về áp lực tỷ giá, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ của UOB Việt Nam cho biết, việc lãi suất USD vẫn đang neo đậu ở mức cao (trên 5%) đã gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có VND.

Vẫn chưa hết áp lực tỷ giá

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm giữa VND cùng với USD vào ngày 27/5 là 24.268 VND/USD, so với thời điểm cuối tuần trước đã tăng 4 VND. Đồng thời, giá USD tại những ngân hàng thương mại cũng tăng theo. Ngoài ra, giá USD tại ngân hàng Vietcombank đã tăng thêm 4 VND, đưa giá mua chuyển khoản lên mức 25.281 VND/USD; đồng thời bán ra lên mức 25.481 VND/USD. Trong khi đó, giá mua chuyển khoản tại Eximbank vẫn được giữ nguyên ở mức 25.260 VND/USD, song chiều bán ra lại tăng 4 VND và lên mức 25.481 VND/USD…

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm giữa VND cùng với USD vào ngày 27/5 là 24.268 VND/USD, so với thời điểm cuối tuần trước đã tăng 4 VND. (Ảnh minh họa)
Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm giữa VND cùng với USD vào ngày 27/5 là 24.268 VND/USD, so với thời điểm cuối tuần trước đã tăng 4 VND. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên mức giá mua giao ngay là 23.400 VND/USD cùng với giá bán ở mức 25.450 VND/USD. Đây chính là giá bán can thiệp đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo bán USD cho những ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm, mục đích là chuyển trạng thái ngoại tệ về mức 0 từ ngày 19/4.

Liên quan đến vấn đề này, ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB cho biết, việc FED cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay sẽ phần nào giảm bớt sức mạnh của ‘đồng bạc xanh’ và hỗ trợ sự phục hồi của đồng tiền Việt. Trước đó, FED đã phát tín hiệu về việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn vì lạm phát tăng cao hơn so với dự kiến trong năm nay. 

Vị này bổ sung: “Quan điểm của UOB đó là, FED sẽ bắt đầu việc cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, lần 1 vào tháng 9 còn lần 2 là tháng 12. Theo như kỳ vọng của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước trong năm nay sẽ giữ nguyên lãi suất. Bởi vậy, sức mạnh của đồng USD trong những tháng tới sẽ giảm bớt; đồng thời tỷ giá VND/USD sẽ phục hồi về mức 24.000 VND/USD vào thời điểm cuối năm”.

Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam nhận định, VND đang ngày càng ‘mất giá’. Cũng theo vị này, việc lãi suất USD neo đậu ở mức rất cao (trên 5%) đã gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có VND.

Lãi suất USD neo đậu ở mức rất cao (trên 5%) đã gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có VND. (Ảnh minh họa)
Lãi suất USD neo đậu ở mức rất cao (trên 5%) đã gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, trong đó có VND. (Ảnh minh họa)

Ông Quang bổ sung, dữ liệu tổng hợp của những đồng tiền của các nền kinh tế lớn và đặc biệt là trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu cho thấy, mức giảm giá từ đầu năm cho đến nay của đồng tiền Việt là nằm trong xu thế chung, cũng ở mức độ trung bình. Theo báo cáo của UOB, VND và những đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với ‘đồng bạc xanh’ trong nửa sau của năm 2024, trong bối cảnh lãi suất USD có thể sẽ được cắt giảm và lãi suất VND gần như không có khả năng giảm thêm và sẽ dần tăng trở lại. 

Giảm áp lực tỷ giá bằng việc tăng lãi suất OMO

Tỷ giá trong thời gian gần đây đang chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cùng với một số tin đồn gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kỳ vọng chung của thị trường. Theo nhận định của các nhà phân tích tài chính - kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đối với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên 4,5%/năm sẽ tác động đáng kể đến việc giảm áp lực tỷ giá.

Một số ngân hàng thương mại trong phiên 22/5 và 23/5 vừa qua đã tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) thường xuyên ở mức cao. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước còn có động thái tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tương ứng với mức tăng thêm 25 điểm cơ bản. Tính riêng trong phiên ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 42.666 tỷ đồng bằng thị trường mở. Đây chính là mức bơm ròng cao nhất kể từ tháng 10/2022 của nhà điều hành.

Liên quan đến vấn đề này, SSI Research nhận định, việc thực hiện nghiệp vụ bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước có mục đích đáp ứng nhu cầu tương đối lớn về ngoại tệ từ phía các ngân hàng thương mại. Trong nửa đầu tháng 5/2024, cán cân thương mại nhập siêu lên đến 2,6 tỷ USD, tạo áp lực ‘khủng’ đến trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại. Chưa kể, còn có yếu tố mùa vụ khi mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện việc chuyển lợi nhuận về nước. 

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đối với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên 4,5%/năm sẽ tác động đáng kể đến việc giảm áp lực tỷ giá. (Ảnh minh họa)
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đối với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên 4,5%/năm sẽ tác động đáng kể đến việc giảm áp lực tỷ giá. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, một số thông tin gần đây về những thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác, không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường cũng như ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, những thông tin này cũng tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Các doanh nghiệp và người dân cần thật sự thận trọng trước những tin đồn thất thiệt này.

Vị này cũng bổ sung, thị trường ngoại tệ cũng như tỷ giá trong nước kể từ đầu năm đến nay đã chịu khá nhiều áp lực từ các biến động khó lường của thị trường tài chính trên toàn thế giới, ngoài ra còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.

Nhưng Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng, mọi khó khăn và thách thức chỉ là ngắn hạn. Với đà phục hồi đầy khả quan của xuất khẩu trong thời gian tới, nguồn cung ngoại tệ cũng sẽ tăng lên đáng kể. Chưa kể, những doanh nghiệp tăng mạnh việc mua ngoại tệ kỳ hạn cũng là yếu tố giúp nhu cầu ngoại tệ thời gian tới giảm xuống, từng bước cân đối cung - cầu ngoại tệ. 

Chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ ra sao?

Dễ dàng thấy được, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay vẫn kiên định với chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán BSC, việc FED chậm giảm lãi suất hơn so với dự kiến và đồng tiền Việt mất giá mạnh, cộng thêm nhiều rủi ro khó đoán trước từ những cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới sẽ gây áp lực thêm cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của nước ta.

Còn theo Ngân hàng HSBC, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và tăng trưởng kinh tế mới hồi phục trở lại có thể là động thái không tốt. Đồng thời, đây cũng không phải là biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ cho đồng nội tệ.

Các chuyên gia phân tích của HSBC cho rằng, việc Việt Nam tiếp tục chặng đường phục hồi không quá khả quan trong tháng 4/2024 đã phản ánh phần nào mức độ bất ổn cao của môi trường toàn cầu. Thế nhưng, vẫn có điểm nhấn ở việc xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước đã tăng 10,6%, chủ yếu nhờ nhóm hàng điện tử đã tăng 20% so với cùng kỳ. Mặt khác, một số nhà xuất khẩu bắt đầu ghi nhận những mối lo ngại bắt nguồn từ việc gián đoạn ở Biển Đỏ đối với thương mại Châu Âu…

Theo Ngân hàng HSBC, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và tăng trưởng kinh tế mới hồi phục trở lại có thể là động thái không tốt. (Ảnh minh họa)
Theo Ngân hàng HSBC, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và tăng trưởng kinh tế mới hồi phục trở lại có thể là động thái không tốt. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, Shinhan Bank dự báo, khi những quốc gia phát triển lớn trên thế giới (bao gồm cả Mỹ) kết thúc đợt tăng lãi suất, tại Việt Nam Ngân hàng Nhà nước có khả năng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15%, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh triển khai và thực hiện những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục…, mục đích kích cầu tín dụng. Thế nhưng, áp lực tỷ giá USD/VND ngày càng tăng khiến Ngân hàng Nhà nước càng thêm thận trọng với các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai. 

Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thay đổi lập trường chính sách tiền tệ bất chấp việc phải đối mặt với hàng loạt yếu tố rủi ro như giá lương thực tăng cao (do biến đổi khí hậu) và giá lương thực tăng cao.

Chia sẻ thêm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này dựa trên 4 lý do chính. Thứ nhất, nền kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, tác động đáng kể tới khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh độ mở nền kinh tế trong nước ngày càng cao.

Thứ hai, dự báo lạm phát toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm; đồng thời lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát (ở mức dưới 4%). Thứ ba, các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua động thái hạ lãi suất điều hành, bên cạnh đó mức độ giảm lãi suất của những ngân hàng này có thể được tăng cường hơn nữa trong nửa cuối năm 2024. Cuối cùng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024