ISSN-2815-5823
Huy Hoàng
Thứ năm, 06h00 13/06/2024

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

(KDPT) - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2024.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới công bố ngày 11/6, dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định ở mức 2,6% trong năm 2024, bằng mức của năm 2023, trước khi nhích lên 2,7% trong hai năm tiếp theo. Như vậy, dự báo này cao hơn con số tăng trưởng dự kiến 2,4% của toàn cầu cho năm 2024 mà WB đưa ra hồi tháng 1 vừa rồi. Phần lớn mức cải thiện tăng trưởng là nhờ WB nâng triển vọng tăng trưởng của Mỹ lên 2,5% trong năm nay so với mức ước tính 1,6% hồi đầu năm.

Song con số này vẫn thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình 3,5% của toàn cầu vào những năm trước Covid-19.

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong giai đoạn 2024-2025, các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng 4% , chậm lại một chút so với năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập thấp dự kiến tăng tốc lên mức 5% trong năm 2024 từ 3,8% trong năm 2023.

WB dự báo, đối với các nền kinh tế phát triển, mức tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 1,5% trong năm 2024, trước khi tăng lên 1,7% trong năm 2025.

Đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB cho rằng, tăng trưởng sẽ chậm lại về mức 4,8% trong năm 2024 và tiếp tục suy yếu về mức 4,2% trong năm 2025 rồi 4,1% trong năm 2026. Lý do cho dự báo đó là bởi sự trì trệ về tăng trưởng của Trung Quốc.

Riêng với nền kinh tế Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% trong năm 2024, sau đó tăng tốc lên 6% trong năm 2025 và đạt 6,5% trong năm 2026.

Ông Indermit Gill - nhà kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của WB nhận định: “Sau 4 năm biến động do đại dịch Covid-19, xung đột, lạm phát và thắt chặt tiền tệ gây ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần ổn định dù vẫn thấp hơn so với trước năm 2020.

Cũng theo ông Indermit Gill, triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới đáng lo ngại hơn cả. Những nước này phải đối mặt với mức độ trả nợ cao, làm hạn chế tiềm năng thương mại cũng như các thiên tai gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển cần phải tìm cách khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm nợ công, cải thiện giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng cơ bản...

Theo WB, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 2,9% vào năm 2025, song tốc độ giảm chậm hơn so với dự kiến vào 6 tháng trước. Vì vậy mà có thể nhiều ngân hàng trung ương sẽ vẫn thận trọng trong việc giảm lãi suất chính sách.

Lãi suất toàn cầu có thể sẽ vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn của những thập niên gần đây, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025-2026, gần gấp đôi mức trung bình của giai đoạn 2000-2019.

“Mặc dù giá thực phẩm và năng lượng trên toàn cầu đã dịu lại nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao và có thể tiếp tục tình trạng này. Đó là lý do có thể khiến các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển lớn trì hoãn việc giảm lãi suất”, ông Ayhan Kose - Phó kinh tế trưởng của WB nói.

Ông Ayhan Kose phân tích thêm, một môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ khiến các điều kiện tài chính thế giới thắt chặt hơn và tốc độ tăng trưởng sẽ yếu hơn nhiều ở các nền kinh tế đang phát triển./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine