ISSN-2815-5823

Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á nhanh nhất thế giới, Việt Nam chưa xứng với tiềm năng

(KDPT) - Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo chỉ tăng 4,5% trong năm 2024, giảm so với năm trước đó. Song, vẫn được ghi nhận là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. 

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 1/4 nhận định về sự phục hồi thương mại cho phép các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn, trừ Trung Quốc.

WB cũng đưa ra cảnh báo, các rủi ro trong khu vực sẽ suy giảm, bao gồm sự trì trệ nghiêm trọng hơn dự kiến của kinh tế thế giới, mặt bằng lãi suất cao kéo dài tại các nền kinh tế lớn, sự không chắc chắn về chính sách kinh tế, căng thẳng địa chính gia tăng và kéo dài.

Mức độ phục hồi chưa đồng đều

Báo cáo cho thấy, tăng trưởng khu vực này dự kiến chỉ khoảng 4,5% trong năm 2024, giảm so với mức 5,1% năm 2023. Tuy nhiên, nếu loại trừ Trung Quốc, thì mức tăng trưởng của các nước Châu Á đang phát triển còn lại ước tính đạt 4,6%, tăng 4,4% so với năm ngoái.

Biểu đồ dự báo tăng trưởng các nước Châu Á năm 2024. (Dữ liệu: Trần Phương - Đồ họa: T. Đạt)
Biểu đồ dự báo tăng trưởng các nước Châu Á năm 2024. (Dữ liệu: Trần Phương - Đồ họa: T. Đạt)

Theo WB, nền kinh tế lớn nhất Châu Á trong năm 2024 sẽ giảm từ mức 5,3% xuống còn 4,5%. Báo cáo này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 5,5% trong năm nay, thuộc nhóm cao nhất khu vực.

Năm qua, kinh tế Trung Quốc phải chống chọi với hàng loạt khó khăn vì niềm tin của người tiêu dùng trong nước suy giảm và cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản. WB cảnh báo những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cân bằng đầu tư vào bất động sản và sản xuất công nghệ cao có thể gây ra mất cân bằng cung cầu. Theo báo Nikkei Asia, năm 2023 đã xuất hiện dấu hiệu của việc hàng hóa dư thừa, nhất là mảng xe điện từ Trung Quốc tràn sang các thị trường lân cận.

WB cho rằng, sự phục hồi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau dịch Covid-19 đã diễn ra không đồng đều. Sản lượng kinh tế trên đầu người phục hồi nhanh nhất tại Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp theo là các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, sau đó là Thái Lan, Philippines.

Tại Thái Lan, trong bối cảnh ngành du lịch vẫn còn khó khăn do thiếu hụt lượng khách từ Trung Quốc và Nhật Bản, tăng trưởng quốc gia này (phải phụ thuộc lớn vào du lịch) dự báo  giảm từ 3,4% xuống còn 2,8% trong năm 2024.

Rủi ro cao

Một số yếu tố chính khiến các nền kinh tế khu vực Châu Á không đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng là nợ công, rào cản thương mại và sự không chắc chắn về chính sách.

Ông Aaditya Mattoo - Kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại WB nhận định: “Thương mại đang phục hồi trên toàn cầu, đồng thời chúng ta cũng thấy được một loạt chính sách bảo hộ”. 

Dù tình trạng lạm phát dường như đã được kiềm chế, nhưng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn còn phải vật lộn với tình trạng lãi suất và nợ cao hơn nhiều so với trước dịch.

Lãi suất và nợ tại khu vực Châu Á vẫn rất cao.
Lãi suất và nợ tại khu vực Châu Á vẫn rất cao.

Sự dịch chuyển sản xuất và đầu tư ở Trung Quốc cũng là yếu tố tác động tới hoạt động sản xuất của các nước khác trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực phải phụ thuộc vào nhu cầu ngoài nước. 

“Trung Quốc giữ đang trở nên cực kỳ quan trọng trong khu vực, với vai trò là nguồn đầu vào, là điểm cuối tiêu thụ sản phẩm có giá trị gia tăng trong khu vực, đồng thời là nguồn đầu tư”, ông Mattoo nhìn nhận và cũng đề cập tới các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Lào. 

Bên cạnh đó, nhiều nước cũng bị ảnh hưởng vì vấn đề liên kết thương mại trong các hoạt động kinh tế tại Mỹ và Liên minh Châu Âu.

Theo báo cáo của WB, các nước Châu Á đang phát triển có khả năng bị ảnh hưởng bởi những chính sách thương mại tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các chính sách này để hỗ trợ những công ty của quốc gia đó nhưng sẽ gây bất lợi cho những công ty của các quốc gia khác trong khu vực.

Theo WB, năm 2023 ghi nhận gần 3.000 chính sách trong số này có hiệu lực, tăng gấp 3 so với năm 2019. Đáng lưu ý là nguy cơ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn có thể tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao ngất ngưởng.

Các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, các quốc gia Đông Á cần có “hành động chính sách táo bạo” để “giải phóng cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như cải cách giáo dục”, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.

Manuela Ferro - Phó chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho hay: “Các nước trong khu vực có thể hỗ trợ xu hướng tăng trưởng thông qua cách tăng cường đầu tư cho khu vực tư nhân, giải quyết những vấn đề của lĩnh vực tài chính, tăng cường năng suất”. 

Tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn tiềm năng

Báo cáo của WB còn đề cập việc Việt Nam là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất quốc tế, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 5,5% là thấp hơn tiềm năng. Ông Mattoo nhận định, Việt Nam không nên hài lòng với số liệu này vì có thể tăng trưởng cao hơn. 

Việt Nam là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất quốc tế.
Việt Nam là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất quốc tế.

Theo chuyên gia kinh tế của WB, dự báo tăng trưởng của Việt Nam hiện tại là nhờ vào khả năng phục hồi thương mại toàn cầu và khả năng phục hồi tốt sau đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn rất quan ngại các vấn đề của thị trường bất động sản trong khi chưa có những cải cách cần thiết trong lĩnh vực như cải thiện đầu tư, dịch vụ, phối hợp giữa các địa phương… Khi các vấn đề này được giải quyết, mức độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 sẽ cao hơn nữa./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024