ISSN-2815-5823
Bình Nguyên
Thứ tư, 07h24 14/08/2024

Ngành ngân hàng, thực phẩm đồ uống, hàng không nỗ lực giữ VN-Index cân bằng về cuối phiên

(KDPT) - Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ trên tham chiếu. Điểm số được cân bằng chủ yếu nhờ nỗ lực của các đại diện Ngân hàng, Thực phẩm đồ uống, Hàng không.

Cân bằng về cuối phiên

Quán tính tăng suy yếu trở lại khi thị trường đã trải qua 2 phiên tăng trước đó. Mặc dù vậy, lực cung ngắn hạn cũng không quá mạnh giúp các chỉ số chỉ giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng nhẹ trên tham chiếu trong khi chỉ số HNX-Index giảm 0,26%, chỉ số Upcom-Index giảm 0,23%. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tiếp tục giảm nhẹ so với phiên liền trước đạt 14.906 tỷ đồng.

Thị trường dần khởi sắc trở lại từ cuối phiên sau phần lớn thời gian giằng co bên dưới tham chiếu. Giữ vững vùng 1.230,42 điểm, chỉ số VN-Index đã hồi phục 7,4 điểm so với mốc thấp nhất. VN30 -0,21%; VNMidcap -0,29%; còn VNSmallcap đi ngang.

Biểu đồ: Chỉ số VN-Index (Đồ thị VN-Index đã được điều chỉnh giá để hiển thị đồ thị nến tốt hơn)
Biểu đồ: Chỉ số VN-Index (Đồ thị VN-Index đã được điều chỉnh giá để hiển thị đồ thị nến tốt hơn)

Điểm nhấn là thị trường xuất hiện nhịp hồi phục mạnh về cuối phiên trong đó VCB (1,94%), VNM (1,1%), HDB (1,57%) có công đóng góp lớn nhất. Ở chiều ngược lại, sắc đỏ lấn át trong đó GAS, BVH, HPG, SSB, TCB, POW, VIB giảm quanh 1% trong đó HPG giảm với khối lượng cao nhất thị trường.

Điểm số được cân bằng chủ yếu nhờ nỗ lực của các đại diện Ngân hàng, Thực phẩm đồ uống, Hàng không. 

Về nhóm ngành, nhóm Bất động sản thương mại (PDR, TDC, NTL, CEO, NVL, DIG), Hàng không (HVN, VJC) diễn biến tích cực hơn thị trường.

Một số mã CSV, PDR, TV2, NTL, TDC cũng hút cầu tốt trong phiên. Dù vậy, độ lan tỏa chung lại nghiêng về chiều giảm, với lần lượt 234 mã và 16 mã trên HOSE và rổ VN30. Trong đó, nhóm Thép - Tôn mạ và Điện giảm nhiều nhất; thể hiện qua áp lực điều chỉnh ở HPG (-1,7%), REE (-1,6%), POW (-1,5%). Tại nhóm Ngân hàng chứng kiến vận động kém sắc của TCB (-1,2%), SSB (-2,1%), ACB (-0,8%).

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE ổn định ở mức thấp 11,6 nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 320 tỷ đồng trong đó HDB (380 tỷ), VNM (152 tỷ), FPT (77 tỷ), dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, HPG (234 tỷ), TCB (75 tỷ), NLG (35 tỷ) đứng đầu danh sách bán ròng.

Thị trường tương lai: HĐ VN30F2408 đóng cửa tại 1.267 điểm, giảm -3 điểm. KLGD ở mức 198 nghìn đơn vị. Điểm Basis -1,72 điểm.

Trên biểu đồ 1H, HĐ VN30F2408 dao động trong phạm vi hẹp 1.263 - 1.270. Tín hiệu kỹ thuật RSI và MACD duy trì trung tính cho thấy đà rung lắc dưới ngưỡng 1.270 sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn.

Chứng quyền: Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khi ghi nhận 34 mã tăng trung bình +4,1% và 47 mã giảm bình quân -8,4%. GTGD thu hẹp 26% so với phiên trước, về mức 25 tỷ đồng.

Theo SSI, VN-Index có phiên giằng co tại vùng kháng cự 1.230. Chỉ báo kỹ thuật RSI giữ trạng thái trung tính yếu, trong khi đường ADX cho thấy sức mạnh ở mức yếu. Qua đó, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục gặp thử thách quanh vùng 1.230.

Yuanta thì cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách ngưỡng 1.240 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh đường trung bình 20 phiên với thanh khoản thấp và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đang dần lạc quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại, nhưng tâm lý vẫn chưa chuyển hoàn toàn sang giai đoạn lạc quan.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và xem xét mua mới với tỷ trọng thấp, nhưng các nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi khi chỉ số VN-Index tiệm cận sát mức 1.240 điểm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine