ISSN-2815-5823

Ngành thuế thu hồi 37.101 tỷ đồng nợ thuế

(KDPT) - Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành thuế ước đạt 37.101 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 31/5/2024, tổng nợ toàn ngành Thuếđđang quản lý ước tính là 199.964 tỷ đồng (tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30/4/2024). Nếu loại trừ số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến thời điểm 31/5/2024 là 176.491 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm ngày 30/4/2024.

Trong đó, số nợ khó thu chiếm tỷ trọng 16%; nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 57,5% (trong đó nợ thuế, phí chiếm tỷ trọng 32,3%); nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng 25,2%; tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 14,8%; tiền thuế nợ đang xử lý chiếm tỷ trọng 4,5%; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện chiếm tỷ trọng 7,2%.

Ngành thuế thu hồi 37.101 tỷ đồng nợ thuế. (Ảnh minh họa)
Ngành thuế thu hồi 37.101 tỷ đồng nợ thuế. (Ảnh minh họa)

Cũng theo Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tại thời điểm 31/5/2024 tăng so với thời điểm 31/12/2023 chủ yếu ở các khoản nợ liên quan đến đất do các khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao.

Ngoài ra, tiền thuế nợ ước tại thời điểm cuối tháng 5 tăng còn do người nộp thuế chưa kịp thời nộp các khoản quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023, các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP, Nghị định 36/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã hết thời gian gia hạn.

Về kết quả thu nợ, Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 5/2024, toàn ngành thu được 5.033 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 5/2024 ước số thu đạt được 37.101 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 34.550 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.551 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục yêu cầu cơ quan thuế các cấp theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, đúng quy định.

Mới đây, đánh giá về thu ngân sách năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn do nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn chính trị biến động khó lường; thiên tai dịch bệnh khó dự báo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm trưởng ban, thành viên là đại diện các sở, ngành. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn, xác định biện pháp thu hồi với từng trường hợp. Định kỳ hàng tháng, phải báo cáo kết quả hoạt động với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan liên quan trên địa bàn gồm: Ngân hàng, công an, tài nguyên môi trường, quản lý xuất nhập cảnh phối hợp chặt với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine