ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ năm, 11h47 04/04/2024

Ngành xuất bản cũng “chạy đua” với chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác với công ty công nghệ

(KDPT) - Xuất bản số đang được đầu tư mạnh, kết quả ban đầu khá tích cực cho thấy ngành đã nắm bắt và thích ứng tốt xu hướng này.

Ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động xuất bản

Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, cho biết năm 2023, ấn phẩm truyền thống như xuất bản phẩm dạng sách in giảm mạnh, chỉ đạt 31.208 cuốn (giảm 4,4%), gần 461 triệu bản (giảm 14,6%). Trong khi xuất bản ứng dụng công nghệ mới tăng mạnh như xuất bản phẩm dạng điện tử, đạt 4.000 xuất bản phẩm (tăng 19,4%), với khoảng 36 triệu bản (tăng 11%)

Năm qua, có 24/57 nhà xuất bản tham gia cuộc đua xuất bản và phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản, làm tăng tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản, đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu 12%. Con số này trong năm 2024 được dự kiến tăng lên 27-28 đơn vị.

Doanh thu sách nói chung cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, giai đoạn 2022-2023, tổng doanh thu từ sách nói đạt gần 116,1 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trước đó.

Doanh thu của ngành xuất bản Việt Nam
Doanh thu của ngành xuất bản Việt Nam

Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành - Ông Nguyễn Nguyên nhận xét: “Với số lượng đơn vị phát hành điện tử đang ngày một nhiều hơn và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, thì thị trường xuất bản phẩm điện tử Việt Nam đã cho thấy sự phát triển, bước đầu bắt nhịp với sự phát triển của thị trường sách điện tử trong khu vực và trên thế giới, cung cấp ra nhiều xuất bản phẩm điện tử, đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc”.

Có thể thấy, các nhà xuất bản đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong vài năm nay. Đây là bước phát triển tất yếu của ngành vì độc giả đã thay đổi phần nào thói quen đọc sách gắn với thiết bị thông minh, ngày một phổ biến máy đọc sách. Đồng thời, quy trình sáng tạo tác phẩm, biên tập, in ấn, phát hành tới tay bạn đọc những sản phẩm sách giấy truyền thống cũng ghi nhận sự dịch chuyển quan trọng.

Ông Nguyên nhận định, ngành xuất bản đã ứng dụng tốt công nghệ số để triển khai những nội dung chính như số hóa dữ liệu, chuyển đổi số quy trình làm việc, tạo dữ liệu lớn (big data) để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của đọc giả. Các nhà sản xuất cũng phát triển nền tảng xuất bản, phát hành điện tử dùng chung để giải bài toán chi phí đầu tư và khấu hao.

“Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng một cách rộng rãi hơn trong công tác biên tập nội dung sách và chuyển từ nội dung chữ sang sách nói (audio book) với nhiều giọng đọc, phù hợp với nhiều đối tượng ở các vùng miền (text to speech). Điều này làm tăng sức phong phú cho các sản phẩm của ngành xuất bản” - Ông Nguyên nói.

Tích cực đổi mới, sáng tạo

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của ngành xuất bản. Theo đó, các đơn vị cần đổi mới, sáng tạo về mô hình kinh doanh, cách làm sách, cách phân phối, hợp tác mới. Tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các nhà xuất bản, cung cấp công cụ tự động, thông minh hỗ trợ người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, giới thiệu ra truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả và phân tích dữ liệu.

Phát triển trên nền tảng số sẽ giúp thu hút thêm nhiều nguồn lực để làm sách
Phát triển trên nền tảng số sẽ giúp thu hút thêm nhiều nguồn lực để làm sách

Bộ trưởng Nguyễn Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phát triển trên nền tảng số sẽ giúp thu hút thêm nhiều nguồn lực để làm sách. Vì vậy, cần mở rộng hợp tác, nhất là kết hợp với các công ty công nghệ…; Xây dựng hạ tầng số cho ngành xuất bản, hướng đến trọng tâm là nền tảng xuất bản số, nền tảng AI nhằm phục vụ các nhà xuất bản. 

Ông Hùng nhấn mạnh: “Đã tới lúc ngành xuất bản phải đổi mới mạnh mẽ để có thể tồn tại và phát triển, mở ra trang mới cho ngành, đó là xuất bản số. Đây là sự kết hợp giữa xuất bản truyền thống với xuất bản số”. 

Nhà sáng lập Thái Hà Books - TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thực tế Việt Nam đã có nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản 4.0. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch mô hình xuất bản hiện hữu, sang quy trình xuất bản mới - xuất bản trực tiếp của các cá nhân đã xuất hiện. 

Theo đó, với định dạng điện tử, dưới sự hỗ trợ từ các công ty nắm giữ hạ tầng big data, tác giả đưa sản phẩm của mình trực tiếp đến mới người đọc mà không cần qua thao tác biên tập, giới thiệu, quảng bá của nhà xuất bản. Việc này giúp giảm thiểu chi phí nếu trước đó tác giả và tác phẩm đã định hình sẵn đối tượng bạn đọc cho riêng mình.

Nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của bạn đọc, các nhà xuất bản lớn trên thế giới đã đẩy mạnh xuất bản điện tử, nhất là xuất bản và phát hành trực tuyến tài liệu lên mạng Internet. 

Ông Hùng đề xuất Việt Nam cần xây dựng các nhà xuất bản lớn mang tính tầm cỡ, có năng lực, tài chính vững mạnh và áp dụng công nghệ hiện đại. “Đi đầu là những tập đoàn công nghệ với sự góp mặt của các cái tên lớn như Google, Meta... kết hợp với các nhà sản xuất hàng đầu như Apple, Samsung, Nokia, Sony… để tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hay cho phép tải sách điện tử từ App Store, Google Play...” - Ông Hùng nói.

Cần đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ
Cần đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ

CEO Waka - Ông Đinh Quang Hoàng cho rằng, hiện các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức lớn nhất là tạo ra mô hình kiếm tiền từ công nghệ mới, hài hòa được giá trị cho xã hội với chi phí duy trì phù hợp. Các đơn vị có thể phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng nhằm tiết kiệm chi phí, ông Hoàng đề xuất.

Thời gian qua, các nhà xuất bản đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử, tuy nhiên còn nhiều đơn vị chưa thực sự đầu tư kịp thời. Hiện mới ghi nhận 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, đang triển khai nền tảng thứ 5, song việc ứng dụng công nghệ, sử dụng AI hỗ trợ quy trình xuất bản còn triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét.

Ngoài ra, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa có bước tiến mạnh về doanh thu. Mối quan hệ, hợp tác giữa các nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ còn mong manh… Đây đều là vấn đề còn hạn chế mà các nhà xuất bản phải nhìn nhận để điều chỉnh lại chiến lược cho phù hợp trong thời gian tới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024