ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ năm, 11h01 04/04/2024

Lợi thế của việc ứng dụng blockchain trong thị trường bất động sản

(KDPT) - Blockchain trong bất động sản sẽ giúp các giao dịch được thực hiện một cách minh bạch, an toàn và công bằng hơn. Nhiều người cũng dễ dàng tiếp cận thị trường qua nhiều hình thức khác nhau.

Với hình thức tiếp cận truyền thống, người mua và người bán trên thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc áp dụng blockchain đã giúp việc này trở nên ngày càng dễ dàng và thuận tiện hơn.

Các chuyên gia cho hay, có thể hiểu một cách đầy đủ về blockchain là một loại cơ sở dữ liệu, ở đó mọi thông tin sẽ được lưu trữ trong các khối và chúng được liên kết với nhau. Khi có những giao dịch mới, thông tin mới tiếp tục được lưu thành các khối mới, kết nối với những khối cũ để tạo thành chuỗi mới. Song, thông tin cũ không bị mất đi mà vẫn sẽ được lưu giữ ở đó, tạo nên một chuỗi thông tin đầy đủ hơn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, công nghệ ngày một phát triển, đổi mới từng ngày, từng giờ, đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển bất động sản phải sẵn sàng để thích ứng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản cần sẵn sàng về nguồn lực, tài lực và trí lực để có thể hòa cùng xu thế. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng của đội ngũ marketing, hướng tới việc sáng tạo, liên tục cập nhật xu hướng mới để đưa ra được chiến lược tốt nhất. Còn với các doanh nghiệp môi giới, cần phải đổi mới cách tiếp cận, cách giới thiệu sản phẩm và phương thức bán hàng. Phải thích ứng và bắt kịp xu hướng thì doanh nghiệp mới dành được phần thắng trong cuộc đua số hóa.

Tại Việt Nam, blockchain trong lĩnh vực bất động sản đã được ứng dụng và phát triển từ giai đoạn 2020-2021, mở ra “sân chơi” lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Ứng dụng blockchain còn giúp giao dịch bất động sản ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn.

Blockchain trong lĩnh vực bất động sản đã được ứng dụng và phát triển từ giai đoạn 2020-2021
Blockchain trong lĩnh vực bất động sản đã được ứng dụng và phát triển từ giai đoạn 2020-2021

Theo nhận định của Công ty FPT Digital, một tài sản thực có thể được mã hóa và giao dịch trên các sàn trực tuyến giống như cổ phiếu. Từ đó giúp các nhà đầu tư chủ động giao dịch. Về bản chất, khi có thêm nền tảng mới thì thị trường lại càng thêm đa dạng.

Chẳng hạn như việc tham gia các chuyến tham quan ảo và ký hợp đồng thuê bằng những hợp đồng thông minh tới việc gửi những khoản thanh toán tiền thuê hay thực hiện các yêu cầu bảo trì, thì với blockchain, người cho thuê sẽ tận hưởng trải nghiệm cho thuê tốt hơn. 

Tính năng này có sự bảo mật cao nhờ công nghệ chuỗi khối, do đó mọi bên liên quan đều nắm rõ thông tin về danh sách tài sản, danh tính được xác minh cũng như thông tin cá nhân được mã hóa. 

Các chuyên gia của Công ty FPT Digital dẫn chứng: “Nhờ blockchain mà việc di chuyển xuyên quốc gia, thậm chí trên toàn cầu, để mua và đầu tư bất động sản trở nên rất dễ dàng như vậy. Bạn có thể thuê một bất động sản ở New York hay Tokyo mà vẫn ở Việt Nam để đàm phán các giao dịch nhờ blockchain đang dần loại bỏ các rào cản địa lý giữa các quốc gia, ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu”.

Một ưu điểm nữa mà các chuyên gia nhắc tới là việc giảm thiểu trung gian. Thực tế, một nguyên nhân khiến cho chi phí của giao dịch bất động sản cao là từ phía môi giới, luật sư, ngân hàng… cùng rất nhiều khâu trung gian khiến cho thời gian bị kéo dài. 

Công nghệ blockchain khi được thông qua các nền tảng trực tuyến sẽ góp phần giảm bớt các thành phần kể trên - vốn đã được coi là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái lĩnh vực này.

Một cái lợi lớn khi ứng dụng blockchain vào lĩnh vực bất động sản chính là tính minh bạch cho thị trường. Theo dẫn chứng từ các chuyên gia, nhìn lại những lần vỡ “bong bóng bất động sản” trước đây, có thể thấy rõ sự thiếu hụt của một bộ phận đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với việc ứng dụng blockchain, tất cả mọi người đều có thể truy cập công khai để lấy thông tin như kế hoạch kỹ thuật, tài liệu kiến trúc, hướng dẫn sử dụng thiết bị… tạo nên sự minh bạch. Từ đó xây dựng niềm tin trên hệ thống, giảm thiểu tối đa sự gian lận thông qua các hợp đồng kỹ thuật số.

Giám đốc khối nghiệp vụ doanh nghiệp và tư vấn giải pháp tại FPT Digital - Ông Nguyễn Minh Đức nhận xét, sản phẩm bất động sản có đặc thù là giá trị lớn và lâu dài, với nhiều ràng buộc và không ít rủi ro về pháp lý. Khách hàng luôn có tâm lý thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định giao dịch trên thị trường này.

Yếu tố quan trọng nhất mà mọi doanh nghiệp bất động sản cần hướng tới là gây dựng uy tín, tạo niềm tin cho khách hàng, mà từ khóa chính ở đây là sự minh bạch. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, hệ thống thông tin địa lý - bản đồ, chuỗi khối (blockchain)… vào ngành bất động sản là xu hướng để đem lại sự minh bạch.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng ghi nhận sự giảm chi phí khi doanh nghiệp áp dụng những công nghệ này. Tính minh bạch liên quan tới mạng lưới phi tập trung khi ứng dụng blockchain vào lĩnh vực bất động sản, điều này góp phần cắt giảm nhiều loại phí liên quan tới giao dịch.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí hoa hồng cho bên trung gian, một số loại chi phí khác như đăng ký, kiểm tra, vay, cho thuê liên quan tới giao dịch bất động sản cũng được giảm thiểu. Tuy nhiên khi đã là một phần của hệ thống tự động hóa thì các khâu trung gian trên đều có thể bị cắt giảm hoặc loại bỏ.

Theo Công ty FPT Digital, bất động sản toàn cầu trị giá hàng trăm nghìn tỷ USD nhưng thường “nằm trong tay” giới nhà giàu và các tập đoàn lớn. Nhưng nếu thông qua công nghệ blockchain, sẽ có nhiều đối tượng có thể tiếp cận được thị trường, nơi các giao dịch được thực hiện một cách minh bạch, an toàn, công bằng hơn.

“Chia nhỏ” tài sản

Trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, blockchain được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng hóa” trên mọi khía cạnh của ngành bất động sản trong thời gian tới.  

Công nghệ này còn có khả năng làm tăng thanh khoản và sở hữu theo phân đoạn. Đặc điểm của bất động sản là có giá trị lớn cùng thời gian giao dịch kéo dài, điều này khiến sản phẩm này thành loại tài sản kém thanh khoản. 

Blockchain được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng hóa” trên mọi khía cạnh của ngành BĐS
Blockchain được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc “cách mạng hóa” trên mọi khía cạnh của ngành BĐS

Tuy nhiên, cơ bản vẫn có thể giải quyết được hoàn toàn với việc áp dụng blockchain. Tài sản sẽ được “chia nhỏ” để dễ mua dễ bán. Theo đó, người bán không cần chờ đợi người mua tích góp đủ tiền để mua toàn bộ tài sản để nhận được một số giá trị từ tài sản của họ. Với blockchain, người có tài sản có thể tùy ý bán một phần tài sản của mình với giá trị nhỏ hơn.

Theo ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội, việc mã hóa (tokenise) bất động sản sẽ giúp cho nhà đầu tư cá nhân có nhiều cơ hội tiếp cận bất động sản thương mại lớn như các tòa nhà văn phòng hạng A hay khách sạn hạng sang - các sản phẩm bất động sản có giá trị đắt đỏ mà trước đây họ không thể sở hữu.

Tuy nhiên, ông Matthew Powell cũng khuyến cáo ứng dụng này vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sự biến động của thị trường tiền ảo. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị quản lý tại châu Á Thái Bình Dương chưa thể nắm bắt rõ ràng tất cả các loại tiền ảo.

Việt Nam với lợi thế về cơ cấu dân số trẻ và ham học hỏi, dễ thích ứng công nghệ mới, nên có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng blockchain toàn cầu. 

Hoàn thiện pháp lý về bất động sản blockchain

Luật Đất đai và Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vẫn chưa quy định cụ thể về hình thức giao dịch bất động sản qua blockchain. Phải xác định đây là bước đi khá thận trọng, cần thực hiện nghiên cứu và xem xét cụ thể tình hình thực tế để đưa ra biện pháp quản lý hữu hiệu. 

Trong giai đoạn thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, hình thức hoạt động kinh doanh này có thể trở thành triển vọng mới, năng động và có khả năng làm “tan băng”.

Cần đưa hình thức giao dịch BĐS qua blockchain vào Luật Kinh doanh BĐS
Cần đưa hình thức giao dịch BĐS qua blockchain vào Luật Kinh doanh BĐS

Các chuyên gia cho rằng, ở giai đoạn đầu, cần ghi nhận hình thức này vào Luật Kinh doanh BĐS, từ đó tạo tiền đề quản lý hướng đến việc quy định chi tiết hơn trong tương lai. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét một số công nghệ có tính năng giới hạn cơ chế phi tập trung nhưng vẫn đảm bảo một số đặc tính ưu việt của công nghệ blockchain phân tán trước khi quyết định áp dụng hoàn toàn trên thực tế như: Blockchain phiên bản tập trung - mã nguồn đóng, Sổ cái cấp quyền (khi cần phân cấp quyền truy cập),...

Với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch blockchain, cơ quan nhà nước có thể áp dụng quy định về quan hệ hợp tác của Luật Dân sự để đưa ra cơ chế giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia và hậu quả pháp lý của giao dịch.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thảo luận, tổng hợp ý kiến từ nhiều nguồn lực để hướng tới ban hành các quy định pháp luật phù hợp để điều chỉnh các loại giao dịch mới này, cũng như phát huy tối đa lợi thế về công nghệ vào hoạt động kinh doanh, mà vẫn đảm bảo an toàn pháp lý./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024