Vì sao tiền điện nhảy vọt?Tiền điện tăng “phi mã”: Thủ tướng yêu cầu kiểm traNgười dân được giải đáp thỏa đáng về tiền điện và giảm giá điện

Trên khắp các trang mạng xã hội, nhiều khách hàng đồng loạt chia sẻ hình ảnh tin nhắn, hóa đơn thông báo thu tiền điện cùng những bình luận thắc mắc về giá điện, số tiền điện phải đóng.

Anh N.Q - một khách hàng tỏ ra bất bình về việc tăng chỉ số điện kỳ thu tháng 2/2024 của Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI): “Hàng tháng tôi trả khoảng trên dưới 1 triệu đồng tiền điện. Nghĩa là nếu thông thường, với 2 tháng tiền điện, chỉ phải trả tầm trên dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên với cách tính gộp của EVN Hà Nội, tôi đã phải trả lên 3,24 triệu đồng. Đây là một điều rất vô lý, khiến tôi có cảm giác bị móc túi. Rất nhiều bạn bè của tôi cũng bị tính tiền lên gấp rưỡi, gấp đôi và họ thật sự bức xúc”.

Người dân kêu trời vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến - ảnh 1
Người tiêu dùng “tá hỏa” khi nhận được hóa đơn tiền điện.
Người tiêu dùng “tá hỏa” khi nhận được hóa đơn tiền điện.

Đồng tình với anh Q., tài khoản Facebook T.T cũng cho rằng, việc EVN thay đổi ngày chốt số điện, tính gộp gần 2 tháng tiền điện là đang làm bất lợi cho người dân, đề nghị phải tách ra từng tháng rồi mới tính bậc thang.

Tương tự, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội cũng bất ngờ khi nhận được thông báo hóa đơn tiền điện tháng 2. Do số ngày thực tế dùng điện thêm 22-26 ngày so với tháng 1, nên tiền phải trả tăng tương ứng. Theo EVN Hà Nội, việc này chỉ phát sinh trong tháng đầu khi họ đổi thời gian chốt chỉ số công tơ về cuối tháng. Các tháng sau đó, tiền điện sẽ trở về bình thường, vì thời gian tính hóa đơn vẫn là 30 hoặc 31 ngày dùng điện (khi công tơ ghi từ ngày đầu tới cuối tháng).

Hóa đơn tiền điện của một khách hàng tiêu dùng tăng gấp đôi so với tháng bình thường.
Hóa đơn tiền điện của một khách hàng tiêu dùng tăng gấp đôi so với tháng bình thường.

Trước những thắc mắc về vấn đề tăng lượng điện tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dùng điện khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, đại diện EVN Hà Nội cho biết, cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi. Cụ thể, kỳ hóa đơn sẽ được tính toán như sau: Số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 sẽ từ 50kWh (theo quy định) giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184 kWh.

Đơn vị điện lực lấy ví dụ về cách tính hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình dùng 786 số điện, số ngày sử dụng thực tế là 57 ngày. (Ảnh: EVN Hà Nội).
Đơn vị điện lực lấy ví dụ về cách tính hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình dùng 786 số điện, số ngày sử dụng thực tế là 57 ngày. (Ảnh: EVN Hà Nội).

Dù EVN Hà Nội đã lên tiếng, song khách hàng vẫn thấy không thỏa đáng. Anh N.Q. chia sẻ thêm: “Nếu đặt quyền lợi của người dân lên trên sự dễ dàng trong quản lý, họ đã tách riêng 2 tháng để người dân không bị thiệt thòi. Với công tơ điện tử, công nghệ quản lý hiện nay, việc tách riêng ra 2 tháng không có gì khó khăn”.

“Tôi đề nghị EVN Hà Nội tính lại tiền điện cho người dân. Tách 2 tháng ra, tháng nào tính tháng nấy, chúng tôi không có nhu cầu tính gộp. Số tiền bị thu quá lên sẽ trừ cho tháng tiếp theo. Người dân không có lý do gì để phải chịu gộp 2 tháng, chịu tiền điện tính theo bậc thang lũy tiến. Việc quản lý là của EVN, họ cần phải tính toán sao cho hợp lý, đặt quyền lợi của người dân lên trên”, anh Q. nêu quan điểm.

Người dân kêu trời vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến - ảnh 5
Đa số người dân không đồng tình với cách gộp chỉ số điện và cách tính giá của EVN.
Đa số người dân không đồng tình với cách gộp chỉ số điện và cách tính giá của EVN.

“Với tư cách cá nhân, người tiêu dùng, tôi cũng đề nghị Hội bảo vệ người Tiêu dùng Việt Nam do TS. Dương Đình Giám làm Chủ tịch cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam”, anh Q. bày tỏ mong muốn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN Hà Nội chưa làm tốt việc giải thích đến truyền thông cũng như người dân một cách phù hợp dẫn đến nhiều bất cập.

"Thông thường, lượng tiêu thụ điện trong khoảng thời gian vào các dịp Lễ, ngày Tết là rất cao, EVN đáng ra cần thực hiện việc điều chỉnh lịch ghi chỉ số công tơ vào thời điểm trước Tết, khi lượng tiêu thụ điện ở mức bình thường”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh góp ý.

Chia sẻ về giải pháp để việc tiêu dùng và thanh toán tiền điện hợp lý hơn, chuyên gia cho biết, cần phải thực hiện cải cách lại toàn bộ hệ thống phân phối, cung cấp điện và cơ chế giá của thị trường điện.

Theo lộ trình, đến năm 2025 ngành điện sẽ phải hoàn thành việc chuyển sang ghi chốt chỉ số công tơ thống nhất trên toàn quốc vào ngày cuối tháng. Từ tháng 9/2023 đến nay, các đơn vị điện lực ở nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện lộ trình này. Trên thực tế, vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 ở khu vực TP.HCM và một vài địa bàn khu vực miền Bắc cũng ghi nhận nhiều khách hàng phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.