ISSN-2815-5823
Minh Quân
Thứ bảy, 07h16 27/07/2024

Thêm hàng trăm triệu USD vốn ngoại được nhà đầu tư rót vào thị trường bất động sản trong tháng 7

(KDPT) - 7 tháng đầu năm nay, ngành kinh doanh bất động sản hút hơn 2,87 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm gần 16% tổng vốn đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ.

Thông tin được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2024.

Theo báo cáo trên, tính đến ngày 20/7/2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong tháng 6, ngành kinh doanh bất động sản đã thu hút hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ thêm hàng trăm triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, nguồn vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản diễn ra trong bối cảnh theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và các công ty nghiên cứu, tư vấn đánh giá, sau giai đoạn trầm lắng do Covid-19 và lạm phát kéo dài, từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phát hành mới đây cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các dự án nhà ở mới mở bán đều ghi nhận kết quả giao dịch tốt với tỷ lệ hấp thụ trên 70%. Giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng mới. Đất nền tại một số khu vực bắt đầu “nóng thật” trở lại, tuy vẫn còn một số nơi có dấu hiệu “thổi nhiệt”…

Theo đánh giá của VARS, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận nhiều hơn các tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi. Tuy chưa đủ lực giúp thị trường “bùng nổ”, nhưng chắc chắn sẽ là tiền đề cho các kết quả ấn tượng hơn vào quý sau.

“Những sôi động đạt được trên thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 là kết tinh của nhiều “điểm trội” với sự hợp lực của cả Chính phủ, các cơ quan ban ngành và bản thân các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Mặc dù vậy, thị trường vẫn tồn tại âm ỉ nhiều “điểm lặn”, nếu không được can thiệp một cách kịp thời và dứt điểm, chắc chắn trong thời gian tới sẽ làm “lu mờ” cả những điểm trội”, VARS nhấn mạnh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,76 tỷ USD (tăng 35,6% so với cùng kỳ); Có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 0,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD (tăng 19,4% so với cùng kỳ); có 1.795 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 3,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,27 tỷ USD (giảm 45,2% so với cùng kỳ).

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 740,5 triệu USD và hơn 490,6 triệu USD.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024