Người dùng đa phần chọn mua sắm trên sàn thương mại điện tử trong bối cảnh mới?
Người dùng không còn “đốt tiền” như trước
Chỉ trong một thời gian ngắn hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt. Trong báo cáo mới đây của Buzzmetrics và Lazada phối hợp thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy những người tiêu dùng truy cập vào nền tảng thương mại điện tử mỗi ngày với tần suất từ 1 - 2 lần. Bên cạnh đó, có khoảng 39,3% người tiêu dùng đã đặt từ 20 đơn hàng trở lên trong một tháng, tương đương với việc đặt một đơn hàng mỗi ngày.
Mặt khác, theo số liệu thống kê từ hệ thống ECI của Buzzmetrics cho thấy, các sàn thương mại điện tử Việt Nam đã mang đến tỷ lệ đóng góp tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) tương đối ổn định trong những ngày bình thường và những ngày khuyến mãi. Cụ thể, những ngày bình thường trong năm đang đóng góp khoảng 81,9% vào tổng lượng GMV, trong khi tính riêng những ngày có đợt khuyến mãi chỉ đóng góp 18,1% vào tổng lượng GMV.
Chỉ sau một thập kỷ có mặt tại Việt Nam thì hiện tại các sàn thương mại điện tử đã trở thành một thói quen đối với người tiêu dùng, thậm chí, còn trở thành kênh mua sắm thường ngày tương đối ổn định thay vì chỉ mua sắm vào những ngày có khuyến mãi hay các dịp lễ đặc biệt.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người mua hàng bỏ qua các cơ hội khuyến mãi hoặc ưu đãi giảm giá, mà họ lại muốn vừa mua được giá rẻ vừa có được mã giảm giá hoặc quà tặng đi kèm. Theo kết quả khảo sát của Lazada và Buzzmetrics cho thấy giờ đây, người tiêu dùng đang đặt rất nhiều kỳ vọng khi đánh giá chất lượng và giá cả có vai trò quan trọng tương đương nhau khi có tới 51,3% lựa chọn, trong khi đó số lượng lựa chọn chất lượng quan trọng hơn là 30,8% và lựa chọn giá cả quan trọng hơn là khoảng 17,8%.
Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người mua sắm cho thấy giai đoạn “đốt tiền” cho các mã giảm giá, khuyến mại của người tiêu dùng đã qua. Giờ đây nếu như các sàn thương mại điện tử muốn giành được chiến thắng về thị phần thì ngoài việc dùng mã giảm giá hay các đợt khuyến mại thì cần phải giành được cả niềm tin của khách hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẵn sàng trải nghiệm những công nghệ mới với việc mua sắm tối ưu, thông minh.
Giữa bối cảnh việc cạnh tranh bằng giá cả không còn là phương thức hữu hiệu vì người tiêu dùng mong chờ vào chất lượng mua sắm nhiều hơn thì các sàn thương mại cũng phải nâng cao chất lượng. Việc áp dụng những công nghệ mới để tạo sự thuận lợi, tối ưu trải nghiệm đã trở thành nhiệm vụ thiết yếu để họ có thể phát triển mạnh mẽ.
Trong một báo cáo được ủy quyền do Forrester Consulting thay mặt Bloomreach thực hiện, kết quả cho thấy có đến 50% số người mua sắm trực tuyến sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có những trải nghiệm tốt và không mua hàng tiếp nếu như có những trải nghiệm tồi trên sàn thương mại điện tử.
Nếu như các sàn thương mại điện tử có thể tập trung vào việc xây dựng một nền tảng công nghệ vững chắc, đón đầu xu hướng và đáp ứng được những nhu cầu mong mỏi của khách hàng thì họ sẽ không chỉ có lợi thế tăng trưởng doanh số mà còn tăng cường sự gắn kết giữa niềm tin của người tiêu dùng trong tương lai.
Chris Timmer - Giám đốc điều hành, Linnworks đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đã đưa ra nhận định, việc đầu tư vào công nghệ đúng thời điểm và theo xu hướng sẽ giúp cho các sàn thương mại điện tử đạt được thành công và tăng trưởng kinh doanh giữa lúc bối cảnh toàn cầu đang phát triển và thay đổi nhiều hơn trong năm 2024.
Trong thời gian tới, những công nghệ được người tiêu dùng kỳ vọng trải nghiệm khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử bao gồm các hoạt động sau:
- Siêu cá nhân hoá (AI-powered personalization): Nghĩa là đi sâu vào phân khúc của người tiêu dùng và ứng dụng những mô hình phù hợp với các thay đổi hành vi của khách hàng trong từng giai đoạn (đưa ra đề xuất khám phá sản phẩm mới, đặt giá linh hoạt hơn, tiếp thị cá nhân hóa toàn diện…).
- Công nghệ đa phương tiện: Những công nghệ quan trọng cần được chú trọng như Video, Thực tế tương tác (AR) và Thực tế ảo (VR) sẽ là phần quan trọng để hỗ trợ cho khách hàng được mua sắm, trải nghiệm liền mạch cũng như thay đổi cách tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Gamification cũng được dự báo sẽ giúp cho các sàn thương mại điện tử định hình lại bối cảnh họa động trong tương lai.
- Công nghệ AIGC (Artificial Intelligence Generated Content): Sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thương hiệu, nhà bán hàng trên nền tảng và đồng hỗ trợ cho tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh (Image Search). Dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo, AIGC sẽ giúp tạo ra những hình ảnh trực quan rõ ràng, để người dùng dễ hình dùng hơn và tìm kiếm được những sản phẩm chính xác, hiệu quả cho người dùng. Đây cũng là một trong những công nghệ hết sức hữu ích để cho phép thương hiệu được tạo dựng một bản sắc riêng không nhầm lẫn với các sàn thương mại điện tử khác.
Là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất trên thị trường Việt Nam, đại diện Lazada Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này vẫn đang không ngừng thay đổi đầu tư cho lĩnh vực công nghệ AI nhằm hoàn thiện tính năng Tìm kiếm bằng hình ảnh và Tìm kiếm bằng giọng nói, từ đó người dùng sẽ được trải nghiệm và tìm kiếm những sản phẩm cần thiết một cách chính xác hơn so với phương pháp tìm kiếm truyền thống.
Cùng với đó, công nghệ AIGC (artificial intelligence generated content - nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra) cũng được Lazada thiết kế để trợ giúp cho các thương hiệu hoạt động trên sàn. Đồng thời, sử dụng công nghệ AI để xây dựng hình ảnh sản phẩm trực quan dễ quan sát nhất, từ đó mới lọc ra được các kết quả tìm kiếm chính xác cho người dùng.
Ngay khi triển khai kế hoạch này cả người bán hàng và người dùng thương mại điện tử đều cảm thấy rất thoải mái và tích cực để sẵn sàng đón nhận các công nghệ mới. Cụ thể, khách hàng có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên thanh công cụ của sàn thương mại đã đạt tỷ lệ 57% (Theo báo cáo Southeast Asia eCommerce được tiến hành vào tháng 7/2022 bởi Lazada - khảo sát trên 5.356 đối tượng trên 6 nước ĐNA), số lượng người dùng sử dụng tính năng tìm kiếm để khám phá sản phẩm trên Lazada chiếm 94% và người dùng thực sự mua những sản phẩm mà họ tìm được chiếm khoảng 94% (Theo báo cáo của Dịch Vụ Tài Trợ Lazada (LSS) năm 2022). Đặc biệt, những tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI sẽ chiếm đến một nửa tổng số giao dịch của người dùng sử dụng nền tảng này.
Với sự thay đổi và nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hy vọng thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh từ 18-20%/năm. Nếu theo đúng lộ trình này thì Việt Nam sẽ vẫn nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, đồng thời, thu hút được các doanh nghiệp tham gia./.
- “Tân binh” TikTok Shop khuấy đảo thị trường thương mại điện tử
- Đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%