Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng cho tiến trình phát triển tín chỉ carbon
Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon
Tại hội thảo “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” diễn ra ngày 16/8, theo TS. Lê Hoàng Thế, Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đã có khả năng cung cấp 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Việt Nam có địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không chỉ có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.
Thị trường tín chỉ carbon đang trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ghi nhận thành công bước đầu trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là một bước tiến quan trọng, mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế.
Việt Nam sẽ đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng tín chỉ carbon bán ra lên 25 triệu. Dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo các chuyên gia, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ cấp bách và mang tính chiến lược, đảm bảo Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
TS. Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho rằng, Việt Nam cần có hoạt động đào tạo và bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước phù hợp với định hướng của ngành và lĩnh vực về giảm phát thải.
Hiện nay số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn do Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon và chúng ta mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.
Một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon, song chi phí đào tạo, cũng như khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế. Điều đó đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050, theo cam kết tại COP26.
Theo tính toán của TS. Lê Hoàng Thế, trước mắt cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Bằng việc đầu tư vào nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.
Theo các chuyên gia, trước mắt cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ thúc đẩy sự hình thành sàn giao dịch chứng khoán tín chỉ carbon ở Việt Nam. Doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải không thể không mua tín chỉ carbon. Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon, nên Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu./.
- Bán tín chỉ carbon rừng: "Mỏ vàng xanh" cho tương lai bền vững
- Xây dựng thị trường tín chỉ carbon nhằm đảm bảo lợi ích phát triển của quốc gia, doanh nghiệp