Nhận diện những thách thức của tài chính vi mô ở Việt Nam
Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 800.000 khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, nhưng tổng dư nợ vẫn còn hạn chế. Các tổ chức tài chính vi mô lớn như CEP và TYM đã mở rộng hoạt động tại một số tỉnh thành, nhưng phần lớn các tổ chức này chỉ giới hạn trong vài xã hoặc huyện. Điều này khiến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô của người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất hẹp.
Một nguyên nhân quan trọng khiến các chương trình tài chính vi mô chưa thể phát triển rộng rãi là sự thiếu hụt về năng lực tài chính và nguồn nhân lực. TS. Nguyễn Tú Anh nhận định: "Điều này đã tạo ra những 'vùng trắng' trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân tại nhiều khu vực".
Đặc biệt, một trong những vấn đề lớn đối với các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam là việc thiếu nguồn vốn hoạt động. Theo các quy định hiện hành, các tổ chức này không thể huy động vốn từ tiền gửi tiết kiệm tự nguyện vượt quá 30% vốn chủ sở hữu. TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến nhiều tổ chức tài chính vi mô không thể mở rộng quy mô hoạt động hoặc đa dạng hóa các sản phẩm tài chính.
Điều này cũng làm cho các tổ chức tài chính vi mô gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của các khách hàng, đặc biệt là khi nền kinh tế đang chuyển mình từ nhóm thu nhập thấp sang trung bình thấp.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng không mặn mà cung cấp vốn cho các tổ chức tài chính vi mô, khiến vấn đề thiếu vốn càng trở nên nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, do đặc thù phải tiếp cận khách hàng ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các tổ chức tài chính vi mô phải mang dịch vụ đến gần với khách hàng, điều này dẫn đến chi phí hoạt động cao. Việc mang dịch vụ tài chính đến các vùng sâu, vùng xa đòi hỏi phải có chi phí lớn cho việc vận hành, dẫn đến chi phí trên mỗi đồng vốn vay cao hơn so với các tổ chức tín dụng khác. "Chi phí hoạt động cao là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của các tổ chức tài chính vi mô", TS. Nguyễn Tú Anh cho biết.
Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng trực tuyến đang tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt đối với các tổ chức tài chính vi mô. Các công ty fintech có thể cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn nhờ vào việc sử dụng công nghệ hiện đại như e-KYC và nền tảng thanh toán trực tuyến.
Điều này tạo áp lực lớn lên các tổ chức tài chính vi mô, buộc họ phải thay đổi để cạnh tranh. TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh: "Các tổ chức tài chính vi mô cần phải cải tiến mô hình kinh doanh, áp dụng công nghệ để duy trì và mở rộng thị phần".
Mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý cho tài chính vi mô, nhưng các quy định vẫn còn thiếu tính linh hoạt và chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của thị trường.
"Các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam mặc dù có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các nhóm đối tượng yếu thế, nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn. Để phát triển bền vững, các tổ chức này cần có sự cải thiện trong các lĩnh vực như nguồn vốn, chất lượng nhân lực, quản trị rủi ro, sản phẩm dịch vụ, cũng như việc thích ứng với sự thay đổi của môi trường công nghệ và pháp lý", TS. Nguyễn Tú Anh nhận định.
Giải pháp cho sự phát triển bền vững của tài chính vi mô
Mặc dù các thách thức là không nhỏ, TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng tài chính vi mô vẫn có thể phát triển mạnh mẽ nếu có những thay đổi phù hợp về quy định pháp lý, cơ cấu vốn và chiến lược phát triển. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn, ông đề xuất việc sửa đổi các quy định về huy động vốn, giúp các tổ chức tài chính vi mô có thể tiếp cận nguồn vốn lớn hơn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính vi mô. Việc áp dụng các nền tảng thanh toán điện tử, công nghệ nhận diện khách hàng tự động (e-KYC) và các công cụ phân tích dữ liệu sẽ giúp các tổ chức tài chính vi mô giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. "Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là yếu tố then chốt giúp các tổ chức TCVM giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng khả năng phục vụ. Hơn nữa, việc phát triển các sản phẩm tài chính đa dạng và linh hoạt sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dân nông thôn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế", TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.
Một giải pháp quan trọng khác là phát triển các sản phẩm tín dụng đa dạng. Ông Tú Anh cho rằng việc phát triển các sản phẩm tín dụng theo chuỗi giá trị, tín dụng xanh, tín dụng tuần hoàn, tín dụng hạn mức hoặc tín dụng cầm cố sẽ giúp tổ chức tài chinh vi mô phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Hơn nữa, việc thử nghiệm các sản phẩm trực tuyến sẽ giúp tổ chức tài chính vi mô tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhất là những người ở khu vực xa xôi.
Tài chính vi mô tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu được cải thiện về nguồn vốn, chất lượng sản phẩm và quy định pháp lý, lĩnh vực này có thể tiếp tục đóng góp tích cực vào việc giảm nghèo và phát triển kinh tế. Việc áp dụng công nghệ, phát triển sản phẩm đa dạng và điều chỉnh các chính sách pháp lý không chỉ giúp các tổ chức tài chính vi mô phát triển bền vững mà còn phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ./.
- Sắp diễn ra toạ đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ”
- Đột phá tài chính vi mô: Công nghệ dẫn lối tăng trưởng bền vững
- Vai trò của TCVM đối với người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một số bất cập trong quy định mới