ISSN-2815-5823

Vai trò của TCVM đối với người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một số bất cập trong quy định mới

(KDPT) - Tài chính vi mô (TCVM) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản, TCVM không chỉ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận vốn để khởi nghiệp và phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tài chính vi mô - Cầu nối xóa đói giảm nghèo. (Ảnh minh họa)
Tài chính vi mô - Cầu nối xóa đói giảm nghèo. (Ảnh minh họa)

TCVM - Cầu nối xóa đói giảm nghèo

Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh rằng tài TCVM không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp thay đổi cuộc sống của người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ. Những tác động tích cực mà TCVM mang lại trải rộng trên nhiều khía cạnh, từ kinh tế, xã hội cho đến phát triển cộng đồng bền vững.

Chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: "Về bản chất, TCVM vừa là công cụ ngân hàng, vừa là phương pháp phát triển kinh tế và được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển thông qua cung cấp các dịch vụ tài chính và một số dịch vụ hỗ trợ phi tài chính cho người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ.

Trong thời gian qua, TCVM thu hút được sự quan tâm của chính phủ, nhà tài trợ và các nhà thực hành. Chương trình, dự án của các tổ chức TCVM đầu tiên được hình thành và đến với người dân nghèo từ đầu thế kỷ XVII tại châu Âu. Tổ chức TCVM ban đầu chỉ bao gồm tín dụng vi mô và được tài trợ bởi một số cá nhân giàu có, tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong cộng đồng, hoạt động ở khu vực không chính thức, không có tư cách pháp nhân".

"Sau đó, tổ chức TCVM được xem như cách tiếp cận trong phát triển kinh tế mang lại lợi ích cho những người có thu nhập thấp, đồng thời tổ chức TCVM được mở rộng đến việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng có thu nhập thấp, bao gồm cả lao động tự do", TS. Nguyễn Minh Phong cho biết thêm.

Trước hết, TCVM đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập cho các đối tượng yếu thế. Người nghèo thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống do thiếu tài sản thế chấp hoặc không có lịch sử tín dụng. Với TCVM, họ có cơ hội tiếp cận các khoản vay nhỏ để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như trồng trọt, chăn nuôi hay mở cửa hàng nhỏ. Khi các hoạt động này phát triển, thu nhập của họ được cải thiện đáng kể, kéo theo chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao. Điều này không chỉ giúp họ thoát nghèo mà còn tạo nền tảng để xây dựng cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Bên cạnh việc tăng thu nhập, TCVM còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Với nguồn tài chính được hỗ trợ, người nghèo có thể chi trả cho các dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Đồng thời, họ cũng có điều kiện tốt hơn để đầu tư vào giáo dục cho con cái, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Hơn nữa, các khoản vay từ TCVM còn giúp họ cải thiện điều kiện nhà ở, tạo ra một môi trường sống an toàn và lành mạnh hơn.

Không chỉ dừng lại ở lợi ích cá nhân, TCVM còn có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Khi người dân có vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế trong cộng đồng sẽ trở nên sôi động hơn. Điều này không chỉ tạo thêm việc làm tại chỗ mà còn góp phần tăng thu nhập chung cho cả cộng đồng. Những doanh nghiệp nhỏ tại địa phương, khi nhận được sự hỗ trợ từ TCVM, cũng có cơ hội mở rộng sản xuất, cải tiến dịch vụ, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, TCVM còn đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm bất bình đẳng xã hội. Việc cung cấp cơ hội tiếp cận tài chính cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và các nhóm yếu thế, giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. TCVM tạo ra một môi trường kinh tế bình đẳng hơn, nơi mọi người đều có cơ hội như nhau để vươn lên, khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống. Điều này không chỉ góp phần xây dựng một xã hội công bằng mà còn thúc đẩy sự ổn định và hòa nhập xã hội.

Hạn chế trong quy định mới về đối tượng thụ hưởng

Tuy nhiên, quá trình phát triển của TCVM tại Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn, trong đó có những hạn chế trong quy định về đối tượng thụ hưởng.

TS. Nguyễn Minh Phong phân tích, quy định trong Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc giới hạn "Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng không vượt quá 100 triệu đồng" vẫn còn khá khiêm tốn so với mục tiêu toàn diện hóa đối tượng.

Mức trần này, theo ông Phong, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính ngày càng gia tăng của người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sản xuất, kinh doanh ngày một cao. Việc nâng mức vay tối đa sẽ giúp các tổ chức TCVM phát huy tốt hơn vai trò hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện để người dân có đủ nguồn lực phát triển kinh tế bền vững.

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra một bất cập trong Thông tư số 03/2018/TT-NHNN khi quy định về đối tượng khách hàng của TCVM. Ông cho rằng thông tư này không đưa người "có thu nhập thấp" vào danh sách đối tượng phục vụ, như đã nêu trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Điều này khiến các tổ chức TCVM gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng đối tượng tiếp cận, làm giảm hiệu quả hỗ trợ nhóm đối tượng thực sự cần thiết và hạn chế tiềm năng phát triển toàn diện của hệ thống TCVM.

TS. Nguyễn Minh Phong đã gợi mở nhiều hướng tiếp cận quan trọng trong việc hoàn thiện quy định về TCVM phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024.

Theo đó, để hệ thống TCVM hoạt động hiệu quả hơn, các văn bản dưới luật cần được điều chỉnh theo đúng tinh thần của luật, mở rộng định nghĩa khách hàng TCVM bao gồm cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ, thay vì chỉ tập trung vào nhóm hộ nghèo, cận nghèo như hiện tại.

"Do đó, các văn bản quy định dưới luật cần cụ thể hóa phù hợp Luật, không nên quy định thành cá nhân hộ nghèo, cận nghèo", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. Sự mở rộng này có thể giúp TCVM tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vi mô một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến thành viên góp vốn cũng được đề cập với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức TCVM. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng quy định thành viên góp vốn bắt buộc phải có một tổ chức Chính trị, chính trị xã hội khiến bị giới hạn bởi 6 đoàn thể, khó tìm tổ chức đồng hành và phát triển TCVM.

Việc không giới hạn các tổ chức tham gia góp vốn trong phạm vi các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội có thể mở ra cơ hội thu hút sự đồng hành của nhiều tổ chức phi thương mại khác. Điều này có tiềm năng mang lại nguồn lực dồi dào hơn, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức TCVM phát triển bền vững.

Bởi vậy, cần sửa đổi quy định về thành viên góp vốn theo hướng không bắt buộc phải có một tổ chức chính trị, chính trị xã hội và cho phép sự tham gia của các pháp nhân phi thương mại, không có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, gồm: Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác…

Ngoài ra, việc điều chỉnh các quy định về giới hạn dư nợ tối đa cho mỗi khách hàng và tỷ lệ dư nợ với nhóm khách hàng khác cũng được đặt ra. Những thay đổi này, nếu phù hợp với Luật TCTD 2024, có thể tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các tổ chức TCVM trong việc cung cấp vốn, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho người thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nhìn chung, TCVM đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của mô hình này, cần có những cải thiện về chính sách và quy định, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức TCVM, ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý. Việc xây dựng một hệ thống TCVM bền vững và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024