Lãnh đạo Ngân hàng Nhật Bản khuyến nghị tăng lãi suất ít nhất 1%
Đây là lần đầu tiên một nhà hoạch định chính sách của BOJ công khai chỉ định mức mà ngân hàng trung ương cuối cùng nên nhắm tới khi tăng chi phí vay ngắn hạn.
Ông Tamura cho biết, khả năng nền kinh tế Nhật Bản đạt được mức lạm phát 2% của BOJ một cách bền vững đang thu được những tín hiệu tích cực. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhật Bản phải tăng lãi suất lên mức được coi là "trung lập" vào cuối năm sau.
Vị lãnh đạo phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Okayama, Nhật Bản: "1% là mức vừa không kích thích, vừa không 'làm mát' nền kinh tế. Do đó, cần phải đẩy lãi suất ngắn hạn ít nhất ở mức đó".
Nhận xét của ông Tamura được đưa ra sau khi các thành viên hội đồng quản trị BOJ kêu gọi tiếp tục tăng chi phí đi vay bất chấp sự biến động gần đây trên thị trường tài chính.
BOJ được cho sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 20/9, tuy nhiên, hơn 50% số nhà kinh tế được Reuters khảo sát vào tháng trước lại dự đoán Nhật Bản sẽ thắt chặt nền kinh tế hơn nữa vào cuối năm nay.
Trong một bước đi mang tính lịch sử, BOJ đã từ bỏ lãi suất âm vào tháng 3 và tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7 khi cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang đạt được tiến triển bền vững để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Thống đốc Kazuo Ueda tỏ ý sẵn sàng tăng lãi suất cao hơn nếu lạm phát duy trì ở mức khoảng 2% trong những năm tới.
Ông Tamura cho hay, BOJ phải đánh giá thận trọng về ảnh hưởng của chi phí đi vay đến nền kinh tế Nhật Bản khi nhìn lại những biến động trước đây. "Chúng ta phải tăng lãi suất vào thời điểm thích hợp và theo nhiều giai đoạn" - người được coi là một trong những nhân vật cứng rắn nhất trong hội đồng 9 lãnh đạo của BOJ, cho biết. Vị quan chức cũng lo ngại về rủi ro lạm phát đang gia tăng khi tình trạng thiếu hụt lao động ở Nhật Bản ngày càng trầm trọng, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp./.
- Một ngân hàng thu về 13.400 tỷ đồng trái phiếu trong 3 tháng
- Ngân hàng triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả bão số 3
- SeABank liên tục tăng hạng trong bảng xếp hạng “Top 1000 Ngân hàng thế giới”