ISSN-2815-5823

Thế hệ trẻ “học lỏm” cách làm giàu từ mẹ: Biết lo xa, tiền dư không được phép lãng phí để nuông chiều bản thân

Những bài học “đắt giá” về tiền bạc thu gom được từ mẹ sẽ theo họ suốt đời.

Có thể thấy, mỗi thế hệ đều sẽ có những quan điểm khác nhau về tiền bạc. Mặc dù vậy, hai người trẻ dưới đây đã học được khá nhiều quan điểm hay ho từ người mẹ của minh - người đã làm thay đổi cách họ quản lý tài chính, làm giàu cho sau này. 

Không bao giờ quá muộn để làm giàu

Nếu như được hỏi về người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến quan điểm về tài chính của bản thân, Thu Huyền (24 tuổi) - là nhân viên văn phòng ngành Tài chính đang sống ở TP.HCM trả lời ngay đó là mẹ. Cô nàng nhớ lại, lúc còn nhỏ, gia đình của cô không quá dư dả nhưng nhờ mẹ cho nên tài chính của cả gia đình dần tốt hơn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình của Thu Huyền đang có 3 cửa hàng tạp hóa ở quê nhà Hải Phòng. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thu Huyền nói rằng: “Hồi nhỏ, lúc đầu nhà của mình không quá giàu có. Mình nhớ gia đình sinh sống trong căn nhà bé tí, tuy nhiên bố mẹ vẫn cố gắng dành mọi thứ tốt nhất cho mình, hoặc mỗi lần đi chơi xa đều nhớ mua quà tặng cho mình. Cho đến khi nhà mình bắt đầu buôn bán bằng việc mở hàng tạp hóa thì tài chính của gia đình mới dư dả hơn. Tất cả ý tưởng trong việc kinh doanh đều do mẹ mình tìm kiếm. Và mẹ cũng là người liên hệ với nhà bán lẻ, đi lựa chọn từng kệ hàng để bán”. 

Cô nàng Thu Huyền nói thêm rằng: “Sau này, khi mà kinh tế của gia đình tốt hơn thì mẹ thường xuyên nói rằng, vì không muốn các con sống khổ cho nên mới nhập hàng về, quyết định dùng hết vốn liếng để có thể chuyển ngành kinh doanh”. 

Chính vì thế, sau thời gian hơn mười năm, gia đình của Thu Huyền vẫn nhắc về ý tưởng kinh doanh của mẹ với niềm tự hào, bởi vì nhờ đó mà kinh tế của gia đình trở nên khấm khá hơn.

Còn về phía cô nàng, Thu Huyền cũng được truyền “máu làm ăn” của mẹ mình. Dù đang là nhân viên văn phòng, tuy nhiên cô nàng đã xác định một ngày nào đó sẽ liều đi kinh doanh như mẹ. Mọi kiến thức văn phòng ở trong ngành Tài chính hiện tại như là quản trị dòng tiền, làm việc với nhân viên... đều sẽ nhằm mục đích phục vụ ước mơ khởi nghiệp mở cửa hàng tạp hóa sau này của cô. 

Đến thời điểm hiện tại, có nhiều người lo ngại khởi nghiệp cũng như kinh doanh sẽ mang đến nhiều rủi ro. Mặc dù vậy, đối với Thu Huyền thì cô nàng lại rất háo hức tìm hiểu những hình thức làm giàu mới. Một phần là vì sự tự tin có thể thành công được như mẹ. Còn một phần khác là vì cô nàng học được từ bài học làm giàu của mẹ đó là sự chăm chỉ, liên tục đổi mới theo từng ngày. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Chọn cách tiết kiệm tiền và tích lũy vàng từ khi mới đi làm

Gia Hưng (25 tuổi) sống ở TP. Hà Nội cũng học được nhiều quan điểm làm giàu hay ho từ mẹ của mình. Được biết, mẹ của Gia Hưng là giáo viên đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chỉ còn vài năm nữa là sẽ về hưu. Và mỗi khi nhắc đến kế hoạch nghỉ hưu, mẹ đều nói với Gia Hưng rằng đã có sự chuẩn bị trước. Đến thời điểm hiện tại, mẹ của Gia Hưng đã có một quỹ tiết kiệm nhỏ, một sổ lương hưu, cửa hàng bán nước để có thể tự lo tài chính cho bản thân mà không cần dựa vào con cái. 

Chàng trai Gia Hưng cho biết, cả cuộc đời làm công ăn lương, mẹ của anh đều tuân thủ theo nguyên tắc “chậm mà chắc” trong mọi tính toán làm giàu. Đối với một người trẻ như Gia Hưng, với nhiều quan điểm tài chính của mẹ thì anh chàng từng cho rằng đó là lỗi thời, ví dụ như mua vàng bằng tiền lương hàng tháng. Tuy nhiên thì sau khi nhận thấy tính ổn định về mức lợi nhuận khi mà bổ sung vàng vào danh mục đầu tư thì chàng trai lại cảm thấy ngưỡng mộ với tầm nhìn xa của mẹ mình. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Gia Hưng cho biết: “Hồi trước, bản thân mình từng nghĩ mua vàng chỉ hợp với thời của bố mẹ mà thôi. Cũng vì thế mà khi mới ra trường, được mẹ khuyên nên đi mua vàng thì mình lại khá thờ ơ. Mặc dù vậy, do có tiền nhàn rỗi hàng tháng cho nên mình cũng mua thử vàng theo lời khuyên của mẹ. Và cho đến nay, mỗi năm mình đều nhận được từ 10-15% tiền lãi từ khoản mua vàng - đây là một con số không lớn nhưng cũng giúp cho mình cân bằng được tính ổn định cho danh mục đầu tư”. 

Và nguyên tắc mua vàng của Gia Hưng là trên thị trường, khi giá vàng tăng lên hoặc giảm xuống đột ngột cũng mặc kệ. Bởi vì về lâu dài thì giá vàng luôn tăng. Chính vì thế mà chàng trai này chỉ cần đợi khi thị trường vàng bình ổn là đem đi bán, chỉ cần chốt được phần trăm lãi đề ra ban đầu là ổn. 

Có một điều hay ho mà chàng trai này học được từ mẹ mình đó chính là tính tiết kiệm, luôn có kế hoạch tài chính cẩn thận cho mọi trường hợp biến động có thể xảy đến. Gia Hưng nói rằng: “Mẹ của mình là một người siêu tiết kiệm, cái xe máy mà mẹ đang đi đã được mua từ 10 năm trước nhưng mẹ vẫn giữ gìn nó khá cẩn thận, chưa muốn thay mới luôn. Và thậm chí, đến cả những thứ nhỏ nhất mẹ cũng không nỡ vứt đi. Nhưng ngẫm lại thì có một số quan điểm của mẹ là mình cảm thấy không đáng lắm. Cũng có một điều, mẹ mình là một người luôn biết nghĩ cho tương lai. Mẹ thường xuyên than với con là nhà mình nghèo lắm, hết tiền nhưng cứ lúc nào cần đến tiền thì không biết mẹ kiếm được ở đâu nhiều tiền thế. Hay khi còn nhỏ, mẹ nói rằng đã chuẩn bị tiền cho 3 anh em học Đại học - lúc đó mình mới là học sinh cấp 2”. 

Cũng từ mẹ, Gia Hưng đã học được tính tiết kiệm, lo xa cho tương lai. Được biết, với khoản tiền nhàn rỗi hàng tháng thì chàng trai trích 50% cho công việc kinh doanh trực tuyến, còn lại thì cậu sẽ mang đi mua vàng, gửi tiết kiệm. Đối với Gia Hưng, việc cân bằng giữa hai yếu tố sinh lời an toàn, mạo hiểm trong danh mục đầu tư là vô cùng quan trọng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024