ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 06h00 04/01/2025

Nhìn lại năm 2024 của thương mại điện tử: Bức tranh với gam màu sáng

(KDPT) - Những năm gần đây, thương mại điện tử là xu hướng đã trở nên quen thuộc trong hoạt động tiêu dùng của mọi người. Năm 2024 vừa qua, thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ với những công nghệ và sự ra đời của các nền tảng mới.

Thương mại điện tử tăng trưởng hơn 20% trong năm 2024

Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng đột phá với doanh thu tăng 25% so với năm trước. Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada đã tạo nên những cơn sốt mua sắm trực tuyến, thu hút hàng triệu người tham gia. Không chỉ là nơi mua sắm, thương mại điện tử còn là một kênh quảng bá hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng. 

Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...

Nhìn lại năm 2024 của thương mại điện tử: Bức tranh với gam màu sáng - ảnh 1

Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới. Các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.

Bùng nổ bán hàng trực tuyến trên Tiktok

Trong tuần lễ Thương mại Điện tử Quốc gia và Ngày Mua sắm Trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024 là một trong những sự kiện uy tín và có tầm ảnh hưởng được tổ chức thường niên bởi Bộ Công Thương. Tham gia đồng hành cùng chiến dịch năm nay với chủ đề “Tự hào Hàng Việt sánh vai cùng thương hiệu toàn cầu”, TikTok Shop đã thu hút hơn 800 nhà bán hàng đồng hành, tăng gấp rưỡi so với năm trước.

Gần 4.750 video xoay quanh chiến dịch đã được người dùng TikTok chia sẻ, góp phần lan toả mạnh mẽ thông điệp “Tự hào Hàng Việt” trên nền tảng. Hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã được thực hiện với sự góp mặt của 83 nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết, góp phần tạo ra số lượng đơn hàng tăng tới hơn 9 lần so với chiến dịch năm 2023.

Những kết quả đáng tự hào từ chiến dịch không chỉ minh chứng cho sức bật và tiềm năng tăng trưởng của hàng Việt trên nền tảng số, mà còn khẳng định cam kết của TikTok Shop trong việc song hành lâu dài và hướng tới mục tiêu lớn mạnh cùng cộng đồng địa phương.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho biết: "Những kết quả mà các nhà bán hàng đã đạt được là cột mốc ấn tượng, khẳng định bước tiến của hàng Việt cũng như cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong nỗ lực tiếp sức cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thị trường nội địa, gia tăng năng lực cạnh tranh và chuyển mình bứt phá trong nền kinh tế số".

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, sự tham gia của các KOL, KOC (người có tầm ảnh hưởng) không ngừng sáng tạo những nội dung mới lạ, kết hợp với các ưu đãi hấp dẫn của nhãn hàng để thu hút người xem, tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ. Với sự kết hợp giữa livestream bán hàng, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và sự tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua đã tạo ra một cơn sốt mua sắm chưa từng có. Hàng triệu người tiêu dùng đã đổ xô tham gia các phiên đấu giá, săn sale, tạo nên những kỷ lục doanh số ấn tượng.

Nổi bật trong những KOL, KOC năm vừa qua có thể kể đến KOL Võ Hà Linh. Thống kê từ Tiktok cho biết Võ Hà Linh đã đạt kỷ lục hơn 300.000 lượt xem và gần 60.000 người đặt mua cùng lúc trong 1 phiên live, một con số cực kỳ ấn tượng trên nền tảng này.

Vào cuối tháng 6/2024, theo thông tin từ mạng xã hội, doanh số từ siêu livestream của Võ Hà Linh vào ngày 6/6 đạt 237 tỷ đồng - cao nhất Việt Nam. Con số này được xác nhận bởi đối tác nền tảng.

Dự đoán thương mại điện tử sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2025

Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.

Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.

Nỗ lực xây dựng mô hình mới, chiến lược mới 

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; Thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp - năng lượng, và dịch vụ logistics.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong nỗ lực xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương như trên, diễn đàn hôm nay là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nơi hội tụ các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, các đơn vị ứng dụng công nghệ số điển hình, các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và năng lượng, để cùng nhau thảo luận, đánh giá về tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói trên, cũng như bàn về các giải pháp chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/01/2025