Thấy gì từ việc sàn thương mại điện tử Temu gặp khó trên thị trường Đông Nam Á?
Sàn thương mại điện tử Temu cẩn trọng khi thâm nhập Đông Nam Á
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của công ty đạt 20 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, vượt qua tổng doanh số của năm 2023. Tính đến tháng 7, Temu hoạt động tại hơn 70 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, Temu đang áp dụng chiến lược thận trọng hơn ở Đông Nam Á. Dữ liệu từ báo cáo Momentum Works công bố vào tháng 7 cho thấy GMV của Temu ở Đông Nam Á là dưới 100 triệu USD vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so với 16,3 tỷ USD của TikTok Shop.
Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã yêu cầu xóa Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng sau khi từ chối đơn đăng ký hoạt động của nền tảng này đầu năm 2024. Quyết định này phản ánh xu hướng bảo vệ thương nhân nội địa của các nước trong khu vực, thay vì cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường một cách không giới hạn.
Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Temu, Taobao, 1688 và Shein, hàng Trung Quốc đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM (RUPA), các doanh nghiệp giầy dép than rằng, một đôi dép sản xuất trong nước có giá 300.000-400.000 đồng thì hàng nhập từ Trung Quốc bán rẻ hơn 20-30% qua các kênh thương mại điện tử.
"Sự tiện lợi của việc giao hàng tận nơi và giá thành thấp hơn mà các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc cung cấp đã khiến các nhà sản xuất Việt Nam khó theo kịp", ông Quốc Anh nhìn nhận.
Không dừng lại giày dép, quần áo hay đồ nhựa gia dụng, trước sự tăng trưởng mạnh kênh thương mại điện tử và sự đổ bộ của Temu, Taobao, 1688.com..., Chủ tịch RUPA cảnh báo rằng ngành sản xuất tiêu dùng trong nước với quy mô nhỏ và vừa sẽ bị "tiêu diệt" chứ không đơn thuần chỉ là "sàng lọc".
Chính vì vậy, thời gian qua, Temu đang bị siết chặt. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động liên hệ với đại diện pháp lý của sàn thương mại điện tử Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam. Trong đó, Bộ Công Yhương yêu cầu Temu đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024.
Bên cạnh đó, trong thời gian triển khai các biện pháp đăng ký, Temu phải có thông báo chính thức trên các ứng dụng di động, website để người tiêu dùng Việt Nam biết sàn thương mại điện tử này đang thực hiện các thủ tục đăng ký, chưa được Bộ Công Thương cấp phép cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á tương đối phân mảnh, thói quen tiêu dùng trực tuyến vẫn chưa bền vững, tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử vẫn thấp và mua sắm ngoại tuyến vẫn chiếm ưu thế.
Cùng với đó các chính sách bảo vệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước ở các nước Đông Nam Á cũng hạn chế sự mở rộng của các nền tảng nước ngoài như Temu.
Do sự khác biệt về chính sách giữa các nước Đông Nam Á và thị trường Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu rõ ràng không thể sao chép mô hình kinh doanh nội địa và chiến lược giá thấp vào thị trường Đông Nam Á.
Cần xử lý nghiêm nếu phát hiện những hành vi vi phạm
Các chuyên gia nhận định rằng nhiều nước phản ứng mạnh có lẽ vì họ cho rằng nếu để các trang thương mại điện tử như Temu chiếm lĩnh thị trường thì doanh nghiệp nội địa của mình sẽ gặp bất lợi.
Theo ông Trịnh Xuân An (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh), phải xử lý ngay về mặt thu thuế với Temu. Ngay cả với các mặt hàng giá trị nhỏ 200.000 đồng hay 500.000 đồng cũng cần phải áp thuế.
Hiện nay, Quốc hội đang xem xét sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có quy định về thương mại điện tử, mua bán qua biên giới, đặc biệt hàng giá trị thấp dưới 1 triệu đồng. Ông An cho biết, cần phải cho phép thực hiện điều này. Việc thu thuế không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giám sát được nguồn hàng, quản lý được nguồn tiền và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.
Việc cần kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản phẩm, nếu xảy ra trường hợp vi phạm về chất lượng, phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, yêu cầu họ thực hiện nghiêm theo quy định của mình. Vị này nhấn mạnh.
Các quốc gia đang triển khai các biện pháp để đảm bảo các nền tảng nước ngoài đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Theo quy định, các nền tảng phải đăng ký hoạt động, tuân thủ quy định về thuế, quy định về bảo vệ người tiêu dùng cũng như các quy tắc bản địa hóa dữ liệu và có hướng dẫn về giá tối thiểu./.
- Cẩn thận "tiền mất, tật mang" khi bị cuốn vào những chiêu trò trên sàn thương mại điện tử Temu
- Temu đổ bộ vào thị trường Việt Nam: Một cuộc chiến kinh doanh mới