Vẫn còn nhiều lỗ hổng dữ liệu trên các sàn thương mại điện tử
Tổng cục Thuế: Các sàn thương mại điện tử còn nhiều lỗ hổng dữ liệu
Tổng cục Thuế vừa có cuộc họp trực tuyến trao đổi về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử với đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử như: Công ty CP Công nghệ Sen đỏ; Shopee, Recess, Tiki, TikTok, pte.ltd, Grab.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, căn cứ quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm, dữ liệu do các sàn TMĐT cung cấp còn thiếu những thông tin như giá trị giao dịch, không có thông tin về lượt giao dịch thành công, vì vậy cần thiết phải rà soát lại trước khi sử dụng phục vụ cho công tác quản lý thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng văn bản pháp luật tại dự thảo 1 Luật sửa 7 Luật trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, tại dự thảo Luật quy định trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay của sàn TMĐT cho cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, Tổng cục Thuế đang đề xuất bổ sung trách nhiệm trong việc thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Do đó, để quy định sau khi được Quốc hội thông qua sẽ áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý, Tổng cục Thuế muốn nhận được ý kiến đóng góp của các sàn TMĐT, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam để cùng thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả 3 bên (người nộp thuế, sàn TMĐT và cơ quan thuế).
Vì sao hàng Trung Quốc có mức giá rẻ như vậy?
Thống kê của Google cho thấy TMĐT Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2023 và trong quý III vừa qua, thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng khoảng 18%. Xu hướng bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream bùng nổ.
Nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày và livestream hàng đêm đã thu hút đến 30.000-40.000 người xem, tức có thể đạt đến gần cả chục triệu lượt xem mỗi tháng..., thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) cho rằng, trong xu thế bán hàng TMĐT xuyên biên giới, hàng Trung Quốc trở nên cạnh tranh vì thỏa mãn 2 yếu tố "giao nhanh, giá rẻ". Thực tế một sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc khi xuất xưởng đã có ngay lợi nhuận. Vì sao lại như vậy?
Theo ông Trung, giá trị bán ra hàng Trung Quốc trên sàn TMĐT vài chục nghìn đồng nhưng không đồng nghĩa nó đã bao gồm chi phí giao hàng, thuế phí... Các khoản này đã được ẩn đi nhờ phương thức kinh doanh mới: Xu hướng đưa hàng từ nhà sản xuất trực tiếp đến người dùng và bỏ qua khâu trung gian.
Khi được nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tương tự với các nước khác trên thế giới.
"Như vậy, một sản phẩm Trung Quốc khi đem vào Việt Nam nhưng bị thuế đánh thấp hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam phải trả, đương nhiên là giá sản phẩm Trung Quốc phải rẻ hơn rồi", ông Trung nói.
Lối đi nào cho hàng Việt trong cuộc đua trên sàn TMĐT?
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, theo thống kê của Google TMĐT Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm vừa qua. Thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng cũng khoảng 18% trong quý vừa qua.
Đặc biệt, ông Đức cho rằng, TMĐT chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. Minh chứng trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15-20% mỗi năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã và đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp quốc tế với nhiều lợi thế về chi phí vận hành, logistics, giá cả, đầu tư kho bãi...
Tại Hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”, ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang kênh hiện đại và thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu.
Song, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống TMĐT, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Việt Nam là đất nước xuất khẩu, việc phát triển hạ tầng logistics là rất cần thiết; vị trí địa lý lại quan trọng, có đường biển có lợi thế để phát triển rất lớn.
Do đó, bên cạnh những dự án lớn phải làm thì những kho chuyên biệt phải được đầu tư mạnh hơn để hỗ trợ tốt cho xuất khẩu xuyên biên giới. Đặc biệt, công nghệ giúp các doanh nghiệp Việt vượt qua rào cản ngôn ngữ. Một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ, giọng điệu rất địa phương. Do đó, cần tận dụng tốt yếu tố công nghệ để đưa hàng Việt đến thành công./.
- Temu đổ bộ vào thị trường Việt Nam: Một cuộc chiến kinh doanh mới
- Temu giới hạn đơn hàng dưới 1 triệu đồng đối với người mua hàng Việt Nam