Nhịp rung lắc có thể diễn ra, nhà đầu tư tận dụng cơ hội gom cổ phiếu có triển vọng tích cực trong quý II
Thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ chứng kiến tuần giao dịch tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index có 2 phiên phục hồi liên tiếp với mức tăng 10,51 điểm lên 1.221 điểm. Đà tăng của VN-Index được cho là phù hợp với các thị trường chứng khoán trên thế giới. Dù vậy, thanh khoản khớp lệnh vẫn còn yếu khi chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE.
Các chuyên gia đều cho rằng xu hướng hồi phục của thị trường chưa thuyết phục khi dòng tiền vẫn yếu. Đặc biệt, VN-Index đã phục hồi tương đối mạnh từ đáy và chỉ còn cách vùng kháng cự mạnh khoảng 2% nên nhịp rung lắc có thể diễn ra. Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội để gom mua một số nhóm cổ phiếu có triển vọng.
Áp lực bán có thể xuất hiện tại vùng kháng cự 1.230 điểm
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị, Khối Phân tích VNDirect, thị trường trong tuần qua hồi phục nhờ đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực. Đầu tiên phải kể đến số liệu vĩ mô trong nước tháng 4 được công bố cho thấy xu hướng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững. Ngoài ra, một số khía cạnh của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công cũng có chuyển biến tích cực. Diễn biến này củng cố cho kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý sắp tới.
Thị trường vào giữa tuần này sẽ hướng sự chú ý tới cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Chủ tịch Jerome Powell đã có bài phát biểu có phần ôn hòa về chính sách tiền tệ nhằm xoa dịu những lo ngại gần đây của thị trường. Cụ thể, Fed đã giữ nguyên lãi suất điều hành, bác bỏ khả năng tăng thêm lãi suất và cho biết mặc dù lạm phát giảm chậm nhưng vẫn đang đi đúng hướng. Sau bài phát biểu này, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đồng loạt giảm, điều này đã phần nào giúp giải tỏa áp lực đối với tỷ giá VND trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo tài chính đang diễn ra với bước tăng trưởng “nhẹ” về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng hỗ trợ thêm cho thị trường. Với các diễn biến trên, vị chuyên gia cho rằng rủi ro “điều chỉnh tạo đáy hai sâu hơn đáy vừa qua” đã được giải tỏa phần nào. Theo đó, vùng đáy mới tạo quanh 1.150-1.170 điểm có thể là đáy của thị trường trong trung hạn. Ngược lại, thị trường đang tiến gần đến vùng kháng cự 1.230 điểm. Áp lực bán có thể xuất hiện tại vùng này.
Mặt khác, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã khiến thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn. Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm nay về 1-2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó.
Có thể thấy, xác suất một số ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên. Điều này khiến DXY tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Ngoài ra, giá vàng trong nước và quốc tế vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá đang là một rủi ro cần lưu ý của thị trường.
Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi xác lập một xu thế mới. Các chỉ số thị trường ngắn hạn chính cần được nhà đầu tư theo dõi đó là diễn biến của DXY và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Theo đó, nhà đầu tư có thể mua vào khi các chỉ số chứng khoán về vùng hỗ trợ và bán ra khi tiến sát vùng kháng cự.
Đặc biệt, chỉ số chính hiện đã phục hồi tương đối mạnh từ đáy và chỉ còn cách vùng kháng cự mạnh khoảng 2%, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải (khoảng dưới 70% danh mục), chưa vội giải ngân ngay mà nên chờ đợi những nhịp rung lắc, điều chỉnh sắp tới của thị trường.
Có thể chia khoản đầu tư làm 2 phần và giải ngân thăm dò nếu thị trường điều chỉnh về vùng 1.190 điểm và giải ngân quyết liệt nếu thị trường về vùng đáy cũ 1.150-1.170 điểm. Nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân cổ phiếu ở các ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm nay như nhóm xuất khẩu (gỗ, sắt thép), ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng.
Hiệu ứng “Sell in May” sẽ tác động ra sao đến thị trường?
Bàn về trạng thái "Sell in May and go away", ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS cho rằng đây chỉ là thuật ngữ chỉ việc tỷ suất sinh lợi từ tháng 5 đến tháng 10 có xu hướng thấp hơn mức trung bình của năm và tỷ suất sinh lời từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau có xu hướng cao hơn trung bình của năm. Hiện tượng này có thể xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nhưng trong những năm trở lại đây có xu hướng suy yếu hơn.
Nhận định về thị trường, ông Hiếu cho rằng mặc dù thị trường phục hồi nhưng vẫn còn khá sớm để khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc do thanh khoản vẫn ở mức thấp. Xu hướng tăng điểm cùng với thanh khoản thấp có thể bị ảnh hưởng từ tâm lý nhà đầu tư thận trọng cũng như việc hạn chế giao dịch trước và sau kỳ nghỉ lễ dài. Ngoài ra, nhiều người cũng lo ngại nhịp hồi phục hiện tại sẽ là “bẫy tăng giá”, thị trường bật tăng trở lại sau nhịp giảm mạnh chứ chưa có sự trở lại của dòng tiền có thể kéo theo một nhịp giảm mạnh sau đó.
Hiện tại, thanh khoản sẽ là dấu hiệu quan trọng cho thấy thị trường đã tạo đáy ngắn hạn hay chưa. Nếu thanh khoản không tăng, hàm ý rằng dòng vốn của nhà đầu tư đang có sự thận trọng với xu hướng hiện tại và nhịp phục hồi có thể sẽ không bền vững. Do đó, nếu dòng tiền không nhập cuộc thì rất khó để thị trường có thể đi xa hơn.
Vị chuyên gia đến từ KIS gợi ý một số nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm trong giai đoạn tới như: (1) Bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện từ sự gia tăng dòng vốn FDI, sự thay đổi về Luật Đất đai. (2) Ngành hàng không với sự phục hồi của du lịch cũng như gỡ bỏ các hạn chế đi lại từ Trung Quốc. (3) Vật liệu xây dựng nhờ sự gia tăng trong các dự án hạ tầng và sự ấm lên với thị trường bất động sản.
Nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá xu hướng tăng trong trung và dài hạn của thị trường vẫn được giữ vững, xong xu hướng ngắn hạn đã bị phá sỡ sau nhịp giảm gần 10% vừa qua. Do đó, những phiên tăng điểm gần đây chỉ được coi là sự phục hồi và cân bằng chứ chưa xác lập xu hướng tăng trở lại.
Đồng thời, sự phân hóa cũng diễn ra mạnh mẽ khi kết quả kinh doanh quý I của các công ty liên tục được công bố. Cùng với nhiều thông tin vĩ mô liên tiếp như Fed họp hay số liệu vĩ mô tháng 4/2024, dòng tiền tiếp tục thận trọng quan sát và chờ thêm những dấu hiệu tạo đáy thực sự của thị trường.
Theo chuyên gia VFS, tín hiệu thị trường tạo đáy có thể quan sát là khi những cổ phiếu chất lượng vượt đỉnh cũ, điều này có ý nghĩa rằng thị trường khó có thể chỉnh sâu hơn mức đáy đã tạo ra. Bên cạnh đó, dòng tiền phải có dấu hiệu tham gia trở lại, phiên bùng nổ đi kèm thanh khoản hồi phục sẽ là tín hiệu xác nhận.
Nhìn nhận về hiệu ứng Sell in May, ông Hoàng cho biết, trong 10 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index có diễn biến khá cân bằng trong tháng 5 với xác suất tăng/giảm ở mức 50/50. Với việc nhiều thông tin xấu đã được chiết khấu vào nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 4, thị trường khó để diễn biến xấu hơn trong tháng 5.
Vị chuyên gia VFS cho rằng, nhà đầu tư nên tập trung vào yếu tố kinh tế hơn là tiền tệ và sự phục hồi lợi nhuận của các nhóm ngành. Chẳng hạn như nhóm bán lẻ, công nghệ, cao su, chứng khoán sẽ tiếp tục là nhóm cần quan tâm trong quý II, đặc biệt là bán lẻ khi có mức nền thấp cùng mức độ phục hồi lợi nhuận ấn tượng trong quý I năm nay./.
- Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nhờ nhiều "bàn đạp”
- Chiến lược nào hiệu quả với nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2024?
- Các công ty chứng khoán gia tăng sức nóng "cuộc đua" tăng vốn