Những việc làm tưởng tiết kiệm hóa ra lại “đốt” tiền
Hiện nay, nhiều người đang tích cực thực hiện việc tiết kiệm để đảm bảo có một khoản tích lũy trong tương lai. Mỗi người sẽ có một cách tiết kiệm khác nhau nhưng thực tế không phải cách nào cũng giúp bạn để ra được một khoản. Thậm chí, tiết kiệm kiểu đó còn khiến bạn tốn tiền hơn.
1. Cứ đến giảm giá là lại tích cực săn hàng tích trữ
T.P là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, khối lượng công việc của cô cũng khá bận rộn vì thế thời gian để đi mua sắm cũng không có nhiều. Để tiết kiệm thời gian, cô thường mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhất là khi các sàn có chương trình khuyến mãi, nhiều mã giảm giá.
Đồng thời, theo đánh giá của T.P, việc mua sản phẩm trên đây sẽ rẻ hơn so với mua trực tiếp vì có nhiều mã giảm giá, ưu đãi. Cô cũng cho biết khi mua hàng trực tiếp cô cũng chỉ chọn những cửa hàng có chương trình giảm giá để tích trữ đồ trong nhà. Vì thế, cô chỉ cần đi mua đồ vài lần là đã có đủ thực phẩm dự trữ cho cả tháng.
Ban đầu, cô đánh giá việc săn hàng giảm giá sẽ giúp tiết kiệm tiền, nhưng thực tế thì lại không phải như vậy. Bởi lẽ, đa phần những món đồ được mua trước đều bị lãng quên hoặc không dùng đến. Nên mỗi khi cần sử dụng cô lại mua thêm một lần nữa những mẫu mã khác. Đồ đạc trong nhà nhiều đến nỗi cô cũng không thể nhớ được đã để chúng ở đâu, nên ngay cả khi mua sẵn thì lúc cần đến cũng không có.
Bên cạnh đó, những thực phẩm được sale thường chỉ có thời hạn sử dụng ngắn nhưng vì mua quá nhiều nên cô đã không ăn hết, sau đó lại phải vứt đi rất lãng phí. Do đó, việc mua trước thực phẩm quá nhiều là điều không hề cần thiết. Hãy nhớ chỉ mua khi dùng và đừng ham giá rẻ vì tích vào nhiều cũng sẽ thành một khoản lớn.
2. Làm việc muộn
N.A là một người trẻ nên rất có đam mê với việc kiếm tiền, chuyện thức khuya để làm việc không còn xa lạ với cô. Ban đầu cô nghĩ chỉ cần thức khuya mỗi tuần 1-2 buổi thì không sao, nhưng do làm việc hăng say nên cô thường xuyên thức muộn đến 2h sáng để hoàn thành công việc.
Cô nghĩ nếu thức khuya làm việc thì thu nhập sẽ cao hơn, nhận càng nhiều việc càng tốt để không có thời gian đi ra ngoài nhiều như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá. Tuy nhiên, sau một năm làm việc như vậy cô nhận thấy sức khỏe đã giảm đi thấy rõ. Điều này khiến cô phải mua rất nhiều đồ ăn và thuốc bổ để bồi dưỡng, đồng thời, cô cũng phải tạm nghỉ để đi du lịch chữa lành sau những ngày lao đầu vào công việc.
Điều này đã khiến cho N.A phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn mà cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ở thời điểm hiện tại cô cảm thấy tiếc nuối vì đã làm việc như thiêu thân mà quên mất việc lắng nghe bản thân mình muốn gì và cần gì. Tuy tiền có thể kiếm nhiều nhưng sức khỏe thì không thể lấy lại được. Sau đó, cô đã tìm cách để cân đối giữa cuộc sống và công việc không để bản thân rơi vào tình trạng mệt mỏi như trước.
3. Thuê nhà giá rẻ
N.T đã ra trường và đi làm được 2 năm ở thành phố nên đang sống trong một ngôi nhà thuê khá ổn định. Tuy nhiên, trước đây khi mới ra trường kinh phí hạn hẹp cô cùng với các bạn chỉ chọn những căn nhà có giá 2 triệu đồng/tháng đã bao gồm toàn bộ các chi phí khác là điện, nước…
Phòng thuê có giá rẻ nên diện tích cũng khiêm tốn chỉ khoảng 15 m2, mặc dù có cửa sổ nhưng nhìn chung căn phòng khá bí bách. Đồng thời, họ cũng không thể nấu ăn tại nhà vì không gian hẹp sẽ bị ám mùi, vì thế, hai người đã chọn mua đồ ăn ở bên ngoài hàng ngày thay vì nấu nướng.
Thời điểm đó cô cảm thấy hạnh phúc vì thuê được căn phòng giá rẻ nhưng sau đó lại hối hận không kịp. Ban đầu cứ nghĩ thuê nhà giá rẻ tiết kiệm được chi phí nhưng lại tốn hơn vì mỗi tháng sẽ mất từ 3-3,5 triệu đồng tiền ăn ngoài. Đồng thời, căn phòng ở tầng 5 không có điều hòa mùa hè rất nóng nên mùa hè họ chủ yếu ra ngoài làm việc. Mỗi lần ra quán cà phê sẽ lại tốn thêm 50.000-100.000 đồng tiền nước.
Việc giặt giũ sinh hoạt cũng rất bất tiện nên chủ yếu họ sẽ dùng các dịch vụ bên ngoài để căn phòng rộng rãi nhất có thể. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy tình hình không khả quan nên N.T và bạn đã cùng nhau dọn đến một căn phòng mới với mức giá cao hơn là 5 triệu đồng/tháng. Song, họ không cần ra ngoài ăn uống, không cần ra ngoài làm việc mà vẫn có thể đảm bảo sức khỏe vì đã được nấu ăn trong nhà.
Có thể thấy, việc tiết kiệm chi phí là cần thiết nhưng cần phải tiết kiệm một cách có khoa học chứ không nên chọn những cách cực đoan, nhìn bên ngoài thì tưởng tiết kiệm nhưng trên thực tế lại tiêu tốn cả đống tiền của bạn. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng rất quan trọng sẽ quyết định đến cả sức khỏe, công việc nên đừng vì ham rẻ mà thuê những căn phòng quá nhỏ, bí bách và bất tiện.
Với những kinh nghiệm thực tế trên đây hi vọng bạn đã loại bỏ được những phương pháp bất hợp lý, chọn ra các phương pháp khoa học để có thể thực hiện việc tiết kiệm tốt nhất. Tránh trường hợp phát sinh thêm quá nhiều chi phí khiến quá trình tiết kiệm trở nên khó khăn hơn./.
- Gen Z bật mí cách xoay sở với mức lương 7 triệu đồng/tháng ở Thủ đô: Vẫn có tiền gửi về quê, tiết kiệm mua nhà
- Vợ chồng Gen Z trả góp mua nhà 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có tiền dư: Bí quyết chi tiêu là gì?