ISSN-2815-5823

Ninh Bình: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính

(KDPT) - Tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong quý I năm 2024 đang dần phục hồi, ổn định. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp như xi măng, lắp ráp ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm đạt 22.226,7 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn tỉnh Ninh Bình tăng 3,32%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,32%; công nghiệp khai khoáng tăng 20,87%; sản xuất, phân phối điện tăng gấp gần 2 lần; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,61% so với cùng kỳ.  

Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh thu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại tỉnh này đạt 15.460 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phân Ure tăng gấp 2,3 lần; thép cán tăng 18,9%; kính nổi tăng 6,5%; linh kiện điện tử tăng 16,3%; quần áo các loại tăng 11,6%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: xe ô tô chở hàng giảm 39,2%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên giảm 26,4%; ximăng-clanke giảm 15,5%; phân NPK giảm 16,9%; cần gạt nước ô tô giảm 9,6%; modul camera giảm 12%; giày dép các loại giảm 2,8%...

Một số sản phẩm có lượng tồn kho lớn, như xe ô tô lắp ráp 546 chiếc; phân đạm 33,5 nghìn tấn; kính xây dựng 90,2 nghìn tấn; xi măng 49,4 nghìn tấn; modul camera 17,4 triệu cái; giày, dép 2,4 triệu đôi…

Một số sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn gặp nhiều khó khăn.
Một số sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2024 tại Nình Bình cho thấy, có 22,37% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 42,11% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,52% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý II so với quý I năm nay, tỉnh này có 59,21% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,74% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 21,05% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm nay, có 55,26% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; 53,95% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,58% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 18,42% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 10,53% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 27,63% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh.

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình phấn đấu giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được đề ra trong Chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024