ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 07h12 06/02/2024

Yếu tố nào quyết định việc phát triển lĩnh vực bán dẫn năm 2024?

(KDPT) - Một trong những yếu tố được xem là cốt lõi để Việt Nam trở thành trung tâm của ngành công nghệ chip bán dẫn là phải xây dựng được đội ngũ kỹ sư chất lượng cao.
Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại Việt Nam có đầy đủ lợi thế gia nhập “đường đua” bán dẫn toàn cầu

Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành chiến lược quan trọng trên toàn cầu, với giá trị ước đạt khoảng 800 tỷ USD trong năm 2023. Nằm trong xu thế phát triển đó, Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ vào ngành công nghiệp này. Một trong những yếu tố được xem là cốt lõi để Việt Nam trở thành trung tâm của ngành công nghệ chip bán dẫn là phải xây dựng được đội ngũ kỹ sư chất lượng cao.

Lĩnh vực bán dẫn mang đến nhiều đột phá

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng 2 con số để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong báo cáo của Công ty Technavio có ghi, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.

Ảnh minh họa

Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã xác định bán dẫn là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học - công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Do gia tăng nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông minh có sử dụng các linh kiện bán dẫn kéo theo ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh, nhu cầu lao động ngành này vì thế tăng cao. Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhu cầu nhân lực CNTT, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Do vậy, nhân lực chính là yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhu cầu nhân lực là yếu tố then chốt

Với định hướng phát triển của Chính phủ và sự đầu tư của nhiều công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn vào Việt Nam như Samsung, Intel, Applied Micro, Vector Fabrication..., nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này gia tăng rất mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kỹ sư vi mạch với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm". Điều này nói lên lĩnh vực bán dẫn đang "khát" nhân lực đến thế nào trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam cần nhiều thêm các kỹ sư vi mạch trong thời gian tới.

Ông Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đánh giá, cơ hội nước ta trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn xuất hiện khi hậu COVID-19 là rất rõ ràng hơn nhiều các quốc gia trong khu vực. Sau đại dịch, việc xuất hiện phát triển mạnh các ngành tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đã dẫn đến nhu cầu chip bán dẫn trên toàn cầu tăng lên rất mạnh.

Công nghiệp bán dẫn là một ngành công nghiệp công nghệ rất lớn trên toàn cầu. Công nghệ bán dẫn đòi hỏi hội tụ tất cả nhân lực của các ngành khoa học từ cơ bản đến công nghệ tham gia. Có thể kể đến như ngành vật lý vật liệu, hóa học, cách ngành điện tử, kỹ thuật máy tính, ngành thiết kế bán dẫn, cơ điện tử, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin,... "Nếu nhìn rộng như vậy chúng ta cũng thấy nước ta có hệ thống đào tạo rất tốt dành cho lĩnh vực bán dẫn" - ông Chử Đức Trình nói.

Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam là điều mà nhiều người có thể nhận ra. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay cần có bài toán tổng thể nhằm thu hút được nguồn nhân lực cao cho lĩnh vực này để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đang có các dự án lớn đầu tư và đang tìm hiểu để đầu tư.

Ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn chưa đúng kỳ vọng. Chính vì vậy cần có chính sách để thu hút người học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sẽ đề xuất lên Chính phủ có chính sách nhằm tăng cường năng lực về cơ sở vật chất cho các trường đại học, phòng thí nghiệm đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, cùng với chính sách hỗ trợ người học để khuyến khích người học nhất là các nữ sinh theo học. Có chính sách hỗ trợ việc kết nối các trường đại học với nhau và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn công nghệ nước ngoài".

Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn rất rõ ràng. Để cụ thể hóa các mục tiêu cũng như đẩy mạnh lĩnh vực này có những bước đột phá trong tương lai, củng cố nguồn nhân lực chính là chiếc chìa khóa then chốt, mang tính quyết định để Việt Nam xây dựng và nâng tầm vị thế trong mắt bạn bè quốc tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024