Triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Làm chủ công nghệ bán dẫn: Tăng tốc đào tạo kịp thời nguồn nhân lực |
Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái này.
Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm. Cụ thể, trong 10 tháng qua, vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trong hút vốn FDI về lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh minh họa: Trọng Tài) |
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tuy vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm, nhưng số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư an toàn, đầy triển vọng của Việt Nam và đó là lý do lớn nhất để họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ (cùng với Singapore, Malaysia). Không chỉ vậy, HSBC còn nhấn mạnh, bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Cũng theo HSBC, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác như Apple mở rộng hoạt động.
Hơn một nửa số doanh nghiệp thực hiện khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào Top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Không những vậy, 31% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào Top 3, trong đó 16% doanh nghiệp ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, phát triển ngành bán dẫn. (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn “hút vốn” lĩnh vực công nghệ cao, phát triển ngành bán dẫn. Đầu tư FDI tăng trưởng tốt trong lĩnh vực này là tín hiệu rất tốt cho sự phát triển về “chất” của nền kinh tế.
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Đáng chú ý, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 32,8%) và điều chỉnh vốn (chiếm 54,4%).
Điểm đến hứa hẹn của ngành công nghiệp công nghiệp bán dẫn
Có ý kiến cho rằng, trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chính là điểm sáng đối với các nhà đầu tư. Điều đó là thành quả bước đầu từ những định hướng của Chính phủ về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nguồn, bán dẫn, năng lượng xanh trong thời gian qua.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài dẫn chứng, thời gian qua, các nhà máy bán dẫn liên tục được thành lập. Điển hình, nhà máy bán dẫn lớn thứ 2 miền Bắc của Tập đoàn Amkor tại Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) đã đi vào hoạt động. Hana Micron - “ông lớn” ngành bán dẫn Hàn Quốc, khánh thành nhà máy đóng gói và kiểm định chất bán dẫn tại Bắc Giang.
Ngành bán dẫn tại Việt Nam có nhiều triển vọng. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) có tổng mức đầu tư 440 triệu USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2025. Nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn mong muốn rót vốn vào Việt Nam. Chủ Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến các ngành công nghiệp công nghệ cao - công nghiệp bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng thời gian tới”.
Mới đây, ngày 29/10, tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, Mạng lưới bán dẫn Việt Nam đã chính thức ra mắt.
Việc mạng lưới bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động sẽ từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới. Từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam. (Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Việt Nam đã xây dựng đề án đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Ngoài ra, có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội... Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC...
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bà Linda Tan, Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA) nhận định, mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam cũng như hình thành chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam được đánh giá cao.
Hiện Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip.
Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP.HCM và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với nhiều cơ chế ưu đãi. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam./.