ISSN-2815-5823

Novaland, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh, Him Lam,… cùng những ‘ông lớn’ bất động sản nào đang có mặt tại Lâm Đồng với loạt ‘siêu dự án’ tỷ USD?

(KDPT) – Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng với quỹ đất còn dồi dào khả năng sinh lời cao trong những năm qua Lâm Đồng trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng của nhiều “ông lớn” địa ốc. Trước đó có thể kể đến như Him Lam, Văn Phú, Ecopark,… hay gần đây là sự xuất hiện của Tập đoàn Novaland, Địa ốc Đại Quang Minh, Tập đoàn Hưng Thịnh và một số cái tên đáng chú ý khác.

Lâm Đồng đang sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh hút đầu tư

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên với diện tích 9.773,54 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa – tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai – tỉnh Bình Phước.

Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.

Hệ thống giao thông trong những năm qua có sự bứt phá mạnh mẽ với nhiều tuyến đường khác nhau. Đây được coi là một lợi thế lớn của Lâm Đồng, giúp việc di chuyển, đi lại của những doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư tại tỉnh này trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Cụ thể, đối với tuyến giao thông đường bộ Lâm Đồng có hệ thống giao thông phát triển gồm các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối Lâm Đồng với các thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Nha Trang, Gia Nghĩa, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột, Phan Rang Tháp Chàm, Cam Ranh và các cụm cảng Thị Vải, Cái Mép, Cam Ranh,Vĩnh Tân (Bình Thuận). Và có các tỉnh lộ: 721, 722, 723, 724, 725 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Lâm Đồng sở hữu nhiều lợi thế hút vốn đầu tư từ nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước.

Đối với đường hàng không Lâm Đồng có Sân bay quốc tế Liên Khương cách thành phố Đà Lạt 30 km về hướng Nam với các chuyến bay nội địa mỗi ngày tới thủ đô Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Tp.Vinh, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Phú Quốc; các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và ngược lại. Ngoài ra, còn khai thác các đường bay quốc tế đến Vũ Hán – Trung Quốc; Bangkok – Thái Lan; Seoul – Hàn Quốc; Kualalampua – Malaisia và ngược lại.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn được chú ý với tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp. Hiện toàn tỉnh 02 khu công nghiệp: Lộc Sơn và Phú Hội và 06 cụm công nghiệp. Tại 2 khu công nghiệp đã thu hút 81 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.616 tỷ đồng và 102,91 triệu USD, diện tích sử dụng đất trên 168 ha; tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 80%, Phú Hội 100%, các cụm công nghiệp 52%.

Đã hình thành một số dự án mới, sản phẩm mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Lâm Đồng công suất 100 triệu lít/năm, đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; nhà máy sợi len lông cừu khoảng 1.000 tỷ đồng, công suất 4.000 tấn/năm, xuất khẩu 50% sản lượng; tổ hợp Bô xít Nhôm hoạt động vượt công suất thiết kế; Nhà máy sản xuất dược phẩm Nanogen tiêu chuẩn Châu Âu, công suất thiết kế 332 triệu sản phẩm/năm. Tổng số dự án dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh là 977 dự án (trong đó, đầu tư trong nước 871 dự án, đầu tư nước ngoài 106 dự án) với số vốn đăng ký đầu tư trên 129 nghìn tỷ đồng, diện tích trên 69.700 ha.

Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để thu hút đầu tư, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thủy lợi… gắn với quy hoạch phát triển vùng, tỉnh và huyện; bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet…, tạo cơ sở cho bước chuyển sang nền kinh tế số, hiện đại.

Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai các đô thị lớn, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn trung ương đầu tư dự án có quy mô lớn, có tính liên kết vùng như: đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; các quốc lộ: 27, 27C, 28, 28B, 55; đường vành đai, đường tránh đô thị Đà Lạt, Bảo Lộc; nâng cấp Sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E… Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án, công trình theo đúng tiến độ.

Nhiều “ông lớn” bất động sản đã và đang đầu tư nhiều dự án quy mô “khủng”

Đi đầu trong xu hướng “viễn chinh” về Lâm Đồng phải kể đến những cái tên “sừng sỏ” như Tập đoàn Novaland, Him Lam, Ecopark, Tập đoàn T&T, Văn Phú – Invest,… Đơn cử như thời điểm năm 2020, CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest đã đề xuất đầu tư vào 3 dự án, bao gồm: Dự án Khu đô thị dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 2, nghiên cứu phát triển Dự án Sân bay Lộc Phát, quy hoạch xây dựng Khu phố đi bộ shophouse, dịch vụ thương mại, chợ đêm tại khu chợ cũ Bảo Lộc.

Cùng thời điểm, Tập đoàn Him Lam cũng xúc tiến đầu tư một số dự án tại TP Bảo Lộc như Khu dân cư phường B’Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc – Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp này đang hướng tới nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía nam TP Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Ecopark cũng hướng tới 2 dự án tại TP Bảo Lộc là Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí – nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1 và hồ Nam Phương 2. Đáng chú ý, tháng 7/2020, Tập đoàn Novaland cũng đã đến Bảo Lộc để tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực BĐS và nông nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, đang có nhiều thông tin quan tâm về việc CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Đại Quang Minh) của ông Trần Bá Dương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý việc nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt rộng 530 ha. Cụ thể, gồm một phần phường 9 (quy hoạch phân khu A9, B3), phường 11 (quy hoạch phân khu Ca, C2, C3) và phường 12 (khu vực hồ Than Thở).

Văn bản được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành về việc thống nhất phạm vi nghiên cứu, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch dự án KĐT phía Đông TP Đà Lạt của Công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh

Trước đó, thời điểm tháng 6/2021 Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án 15.000 ha tại huyện Lâm Hà – Lâm Đồng.

Như đã đề cập ở trên, Tập đoàn Novaland đã đến Lâm Đồng để tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực BĐS và nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Novaland là đơn vị tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị Liên Khương – Prenn, huyện Đức Trọng quy mô gần 2.970 ha. Đồ án này được duyệt từ tháng 4/2006 với tính chất là đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt và chia sẻ một số chức năng với TP Đà Lạt.

Siêu dự án do Novaland tài trợ dự kiến gồm 4 phân khu chính với khu đô thị sân bay (diện tích khoảng 1.100 – 1.200 ha, tiếp giáp sân bay Liên Khương); khu đô thị trẻ sáng tạo (khoảng 500 ha); khu đô thị nông nghiệp thông minh – kỹ thuật cao (khoảng 800 ha) và khu đô thị sức khỏe (khoảng 500 ha).

Thị trường BĐS Lâm Đồng đang thực sự nóng với sự có mặt của nhiều ông lớn địa ốc với loạt dự án lớn.

Một cái tên đáng chú ý khác cũng đã có mặt tại Lâm Đồng là công ty của doanh nhân Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Capella) – CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Sài Gòn – Đại Ninh) với “siêu dự án” Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Nam Đà Lạt). Dự án có quy mô khoảng 3.595 ha có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng.

Liên quan đến dự án trên, được biết vừa qua dự án do Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, TTCP bất ngờ rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này. Thay vào đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo quy định.

Gần đây nhất là sự hiện diện của Tập đoàn Ecopark, mà cụ thể là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Ecopark) cũng tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha. Dự án này được kỳ vọng hình thành một trung tâm thứ hai của TP Đà Lạt và khôi phục khu vực hồ Vạn Kiếp nhằm tạo cảnh quan môi trường của khu vực, làm hồ điều hòa cho khu trung tâm Thành Phố.

QUANG ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024