ISSN-2815-5823

Phần 1: Trẻ có thể bị tiêu chảy, kiết lỵ, nhiễm khuẩn đường ruột, thương hàn… vì nhà vệ sinh bẩn ở trường học

(KDPT) - Mắc các bệnh đường tiêu hóa, về lâu dài còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý như các triệu chứng lo sợ, ám ảnh, căng thẳng kéo dài… là những tác hại thấy rõ khi trẻ phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn, không đảm bảo tại trường học.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam, thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh bẩn, không có hệ thống tự hoại, không có bồn và nước rửa tay là vấn đề đang tồn tại trong nhiều trường học, đặc biệt ở miền núi và nông thôn Việt Nam. Tồn tại này không những khiến kết quả vệ sinh học đường và sức khỏe học đường của ngành giáo dục bị ảnh hưởng mà quan trọng hơn, tác động trực tiếp lên sức khỏe thể lực và tâm lý của nhiều thế hệ học sinh.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam: “Nhà vệ sinh bẩn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể trẻ em”.

PGS.TS Việt Hùng nhận định: “Trong năm học, một học sinh sẽ dành khoảng thời gian trung bình từ 4-10 giờ đồng hồ ở trường mỗi ngày. Hoạt động chủ yếu của các cháu sẽ là học tập, vui chơi và cả vệ sinh trong khu vực trường học. Nhà vệ sinh không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh học đường hay gọi môn na là nhà vệ sinh bẩn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến từng cơ thể trẻ em”.

“Không chỉ ảnh hưởng riêng các em trực tiếp sử dụng nhà vệ sinh, mà vi rút, vi khuẩn còn có nhiều nguy cơ phát tán ra môi trường, gây bùng phát dịch bệnh trên từng nhóm cộng đồng cụ thể”, PGS.TS Hùng khẳng định.

Dựa vào những cơ sở khoa học của ngành kiểm soát nhiễm khuẩn, PGS. TS Việt Hùng phân tích, 1gram phân thải của người chứa hàng tỷ vi khuẩn. Trong đó có đến 30% vi khuẩn có khả năng gây bệnh lên người và động vật khi bị phơi nhiễm. Thực tế đã chứng minh, nhiều dịch bệnh nguy hiểm có đường lây truyền chủ yếu từ phân. Do vậy, việc duy trì thói quen vệ sinh chưa đúng cách, nhà vệ sinh bẩn khiến trẻ em đi vệ sinh sờ/chạm vào thành tường, cửa, bồn cầu, nước đọng trong nhà vệ sinh… dẫn đến vi khuẩn bị dính vào bàn tay, chân hoặc quần áo. Cùng với đó, môi trường bẩn thu hút ruồi, nhặng, kiến… đeo bám lên người trẻ.

Nhà vệ sinh của một điểm trường mầm non miền núi không nước sạch, không bồn rửa tay.

Ngay sau đó, nếu trẻ không rửa tay, sát khuẩn sạch mà vô tình cầm nắm thức ăn hay đưa tay lên miệng sẽ trở thành hành vi gây nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, kiết lỵ, nhiễm khuẩn đường ruột, thương hàn…

Ngoài ra, chất thải trong nhà vệ sinh nếu không có bể tự hoại, không được xử lý sẽ nhiễm khuẩn ra nguồn nước, môi trường, lan truyền ra ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhà vệ sinh không đủ điều kiện, không được dọn vệ sinh sạch sẽ gây ra tâm lý khiếp sợ cho học sinh mỗi lần phải bước vào. Tâm lý lo âu, căng thăng của trẻ có thể tăng nặng đến mức ám ảnh mỗi khi bước chân đến cổng trường. Nhiều trẻ em đã lựa chọn giải pháp cố gắng nín nhịn, không đi vệ sinh ở trường học. Hành động này nếu kéo dài có thể gây giãn bàng quang, mất tự chủ vệ sinh ở trẻ.

Bệ xí két bẩn vừa mất vệ sinh vừa tạo nên nỗi sợ hãi, ám ảnh của trẻ em.

“Nhà vệ sinh trường học chưa được quan tâm đúng mức, phần nào do các cấp quản lý và chịu trách nhiệm chưa có thống kê cụ thể, chính xác để có cơ sở khoa học đánh giá tác hại, xây dựng bộ quy chuẩn, kiến thức và kỹ năng vận hành nhà vệ sinh. Kể cả những trường đã có nhà vệ sinh rồi, nhưng nếu không có quy định về vấn đề giữ gìn nhà vệ sinh, cũng sẽ gây ô nhiễm và dịch bệnh”, PGS. TS Hùng nhận định việc sử dụng nhà vệ sinh đúng cách luôn phải được coi là vấn đề quan trọng, cần thực hiện thường xuyên liên tục.

Nhà trường, chính quyền địa phương cần coi nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn là điều kiện quan trọng để bảo vệ và phát triển sức khỏe học đường. Có rất nhiều giải pháp để có được nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tại trường học. Trong đó, việc mọi thành phần trong xã hội chung tay xây dựng, sửa chữa, trao tặng nhà vệ sinh đạt chuẩn, từ đó hướng dẫn thầy cô, học sinh sử dụng đúng cách, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh học đường là một giải pháp vô cùng hữu ích.

Trẻ em có quyền vui chơi và có quyền có nhà vệ sinh trường học sạch sẽ, an toàn, đạt tiêu chuẩn.

“Điều ước cho em” là Chương trình kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình “Nhà vệ sinh cho em” hiện thực hóa “điều ước” về hỗ trợ, xây mới nhà vệ sinh trong Chương trình Điều ước cho em.

Trong khuôn khổ Chương trình, Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Quỹ Vì tầm vóc Việt đã triển khai Dự án tặng 1.000 nhà vệ sinh trong vòng 10 năm (bao gồm xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh) trị giá 60 tỷ đồng - là nhà tài trợ lớn nhất tính tới thời điểm này hỗ trợ xây dựng Nhà vệ sinh và vệ sinh học đường. Đây là hoạt động thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thúc đẩy sức khỏe học đường và nâng cao thể chất cho học sinh.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 27 công trình Nhà vệ sinh được hỗ trợ triển khai xây dựng tại các trường, điểm trường khó khăn, đến nay, các công trình nhà vệ sinh đã hoàn thiện và được bàn giao đưa vào sử dụng.

Không chỉ dừng lại ở xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học, Dự án 1.000 nhà vệ sinh của Quỹ Vì tầm vóc Việt còn cung cấp bảng hướng dẫn rửa tay, nước rửa tay cũng như chi phí cho hoạt động truyền thông, tập huấn và ngày hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng liên quan cho học sinh, giáo viên, phụ huynh nhằm bảo quản, sử dụng đúng cách, giúp nhà vệ sinh sử dụng lâu dài, giúp học sinh có được môi trường đảm bảo vệ sinh học đường, sức khỏe học đường, nơi các em được lắng nghe và thấu hiểu phát triển các thói quen tốt và lối sống văn minh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025