Quảng Nam là một tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế như sân bay, cảng biển, khu công nghiệp và các địa điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... Vừa qua, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã dành cho Kinh doanh và Phát triển buổi trao đổi nhanh về những định hướng, chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 nhằm thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đối với Quảng Nam, UBND tỉnh đã có những chính sách nào để thực hiện nghị quyết 54/NQ-CP, thưa ông?

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54/NQCP, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chính sách, chiến lược. Trong đó, ưu tiên sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát kinh tế nhanh và bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng thu nhập thực tế cho người dân. Tập trung phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy cơ chế mở làm đột phá xuyên suốt, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Về phát triển dịch vụ - du lịch, tỉnh tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao, có khả năng thúc đẩy phát triển các ngành trọng yếu khác và cùng tham gia hình thành chuỗi giá trị. Tiếp tục phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chí du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, nhất là di sản văn hóa thế giới. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu, ưu tiên những ngành có lợi thế, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị đa quốc gia. Chuyển dịch mạnh cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Xây dựng các khu, cụm liên kết ngành tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút và phát triển nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Đầu tư hạ tầng công nghiệp gắn với giải quyết tốt vấn đề môi trường, xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và kết nối với phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng, miền.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam từng bước khẳng đị vị thế vùng khinh tế trọng điểm của cả nước.

Được biết, theo quy hoạch mục tiêu của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra những giải pháp nào, thưa ông?.

Dự kiến đến cuối năm 2022 Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý 1.2023 sẽ có đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Nam tăng rất nhanh, cao hơn bình quân cả nước và nhiều tỉnh trong vùng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam đạt gần 60.000 tỉ đồng (giá hiện hành). Với mức tăng trưởng này tỉnh Quảng Nam trở thành địa phương có mức tăng trưởng GRDP cao thứ 4 của cả nước, giữ vị trí thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ - duyên hải miền Trung và cao nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung. Theo quy hoạch, mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới như tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực; Phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tập trung xây dựng phát triển thành phố Tam Kỳ, hoàn chỉnh các quy hoạch chung đô thị Điện Bàn, Hội An …, và triển khai các nhóm dự án trọng điểm; Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn; tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Không chỉ riêng Quảng Nam, các địa phương trong cả nước nói chung và ở miền Trung Tây Nguyên nói riêng cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Vậy, UBND tỉnh Quảng Nam có cơ chế đặc biệt nào để thu hút các doanh nghiệp có năng lực về đầu tư tại địa phương, thưa ông?

Để thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, tỉnh đã hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cắt giảm chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu “4 tăng” “2 giảm” “2 không” tăng tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn.

Cùng với việc chú trọng triển khai các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, chính quyền tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại tỉnh Quảng Nam, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đồng thời, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả tiếp tục nghiên cứu, tái đầu tư và mở rộng đầu tư trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực đầu mối xúc tiến đầu tư ở cấp tỉnh và cấp huyện. Phương pháp tiếp cận các nhà đầu tư được đổi mới theo hướng chủ động tiếp cận trực tiếp và trực tuyến với các nhà đầu tư lớn trên cả nước chứ không bị động đợi nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam thời gian qua đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển ở địa phương, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ô tô và phụ trợ. Tuy nhiên, ông có thể cho biết trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút, đầu tư những lĩnh vực nào khác để đa dạng hoá ngành, nghề?

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam ngoài chú trọng đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các Khu công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh phát triển thêm một số ngành, nghề như công nghiệp dược liệu thiên nhiên, công nghiệp chế biến sâu silica (cát trắng), công nghiệp điện – điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp cảng biển – sân bay…

Đối với đồng bằng ven biển, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển các đô thị chức năng (hành chính, du lịch, di sản, công nghiệp cảng biển, sân bay, giáo dục), theo hướng các đô thị sinh thái, hạ tầng hiện đại thông minh.

Trong đó, tỉnh đề ra những mục tiêu cụ thể cần đạt được trong lĩnh vữc du lịch đến năm 2025, gồm: thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người; xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh, trong đó xây dựng ít nhất 01 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh hằng năm; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam.

Để đạt được kết quả nêu trên, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh; Ban hành và triển khai Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam; Khảo sát lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch xanh, bền vững; Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh; Liên kết, hợp tác phát triển du lịch xanh; Phát triển làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững, tạo sự chuyển biến tích cực đến cuộc sống của người dân ở nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Tạo sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, nông thôn. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.