ISSN-2815-5823

Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu

(KDPT) - Phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là từ khóa quan trọng của năm 2023 cũng như nhiều năm tiếp theo. Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu.
Doanh nghiệp Việt cần tăng tốc thích ứng trước các tiêu chuẩn "xanh hóa" của EU Thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt trước tiêu chuẩn "xanh hóa" của EU

Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu

Tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương "phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế".

Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn không chỉ là cơ hội lớn để phát triển bền vững mà còn là vấn đề sống còn của nhân loại để ứng phó với biến đổi khí hậu.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành cho biết, kinh tế tuần hoàn về thực tiễn và lý luận được nảy nở và phát triển mạnh mẽ trong những năm 1980-1990. Tuy vậy, cho đến những năm gần đây, Việt Nam mới đề cập nhiều đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Việc này xuất phát từ 3 lý do chính.

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề "To be or not to be" (tồn tại hay không tồn tại), sống chết của nhân loại với sự biến đổi khí hậu. Thứ hai, chúng ta cũng đã có sự thay đổi về quan điểm cũng như nhận thức về phát triển, không còn chỉ là tăng trưởng đơn thuần mà phải bền vững, bao trùm, sáng tạo... Thứ ba, khát vọng của Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

TS. Võ Trí Thành nêu rõ, kinh tế tuần hoàn là chuỗi cung ứng, gắn với chuỗi cung ứng đó lại có vấn đề rất lớn về pháp lý, tức là lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Một lát cắt nữa của kinh tế tuần hoàn, theo ông Thành, là sức sáng tạo rất cao, công nghệ, kỹ năng, hạ tầng, đào tạo... gắn chặt với vai trò của nhà nước.

"Suy cho cùng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì mấu chốt vẫn là chính sách", ông Thành đánh giá.

TS. Võ Trí Thành nhận định chưa bao giờ chúng ta có ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ như hiện nay, một trong số đó là Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Để hiện thực hoá được mục tiêu này, TS. Võ Trí Thành cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị những chương trình hành động, nghiên cứu các chính sách. Và chính sách quan trọng nhất theo ông Thành đánh giá là Sandbox (cơ chế) cho kinh tế tuần hoàn. "Thủ tướng mong muốn cuối năm nay phải xong. Trong Sandbox này phân loại để có hỗ trợ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh… và các lĩnh vực ưu tiên", ông Thành nói.

Về phía các công ty, doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển đổi.

Lý giải về việc doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn, ông Thành cho biết xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ "xanh" trong tiêu dùng. "Theo điều tra, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z. Các bạn trẻ hiện nay tiêu dùng rất xanh, rất văn minh và điều tích cực này đang được lan toả mạnh mẽ. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp", ông Thành nói.

Theo điều tra, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z. Các bạn trẻ hiện nay tiêu dùng rất xanh, rất văn minh và điều tích cực này đang được lan toả mạnh mẽ. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành

Cũng theo ông Võ Trí Thành, nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như các tổ chức thế giới cho thấy, về ngắn hạn, chuyển đổi xanh đặt ra nhiều vấn đề như chi phí chuyển đổi, đầu tư, công nghệ, đào tạo… Nhưng về trung hạn và dài hạn, những doanh nghiệp nào thực hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh thì bền vững.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu rõ tất cả những doanh nghiệp có tinh thần chuyển đổi xanh về phương thức kinh doanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch COVID-19. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh rất có giá trị thực tiễn.

Phát triển bền vững là từ khóa quan trọng hiện tại và tương lai

Ngày 16/10, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tổ chức Diễn đàn nữ doanh nhân mùa thu với chủ đề "Phát triển bền vững: Góc nhìn từ văn hóa doanh nghiệp và quản trị công ty" nhằm tạo cơ hội để lãnh đạo các doanh nghiệp hội viên chia sẻ bài học và kinh nghiệm, đồng thời định hướng cho hoạt động của VAWE trong giai đoạn 2023-2024.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh: "Phát triển bền vững không còn là chủ đề mới càng không phải chỉ dành riêng cho các cơ quan chính phủ, các tổ chức phát triển hay các tập đoàn lớn.

Đến nay, phát triển bền vững với các mục tiêu ESGs cần phải được coi là cơ hội duy nhất để mọi loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nắm bắt để thành công".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững ESG trong bức tranh kinh tế, ông Darryl Dong, Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam chia sẻ: "ESG san bằng sân chơi không bình đẳng. ESG mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư ngày nay đang tìm kiếm những đối tác có nền tảng quản trị vững chắc, vượt xa hiệu quả tài chính, để quản lý rủi ro, nâng cao vị thế doanh nghiệp, giảm chi phí, đảm bảo nhân sự và tăng cường mối quan hệ với các bên liên quan".

Là doanh nghiệp tiên phong coi phát triển bền vững là "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngay từ khi thành lập, với tôn chỉ "Trân quý Mẹ thiên nhiên", Tập đoàn TH lựa chọn sáu trụ cột bền vững được xây dựng theo các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG), bao gồm: Dinh dưỡng - Sức khỏe, Môi trường, Con người, Giáo dục, Cộng đồng, Phúc lợi động vật.

Mang đến những câu chuyện thật về phát triển bền vững ở Tập đoàn TH, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phát triển bền vững của Tập đoàn chia sẻ: "Trong chuỗi sản xuất tuần hoàn tại Tập đoàn, sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này đã trở thành nguyên liệu đầu vào của một quy trình khác, từ đó giảm phát thải ra môi trường.

Đồng thời, TH còn thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với việc kiểm soát tác động tới môi trường. Đây là mô hình điển hình, là bài học để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét ứng dụng trong công cuộc tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp. Như vậy, con đường xanh mà TH đang tiên phong khởi xướng và kiên định bước đi là để cùng nhân dân và đất nước Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững".

Bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc Phát triển Bền vững Tập đoàn TH chia sẻ về kinh nghiệm thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Tập đoàn TH.

Nhìn nhận phát triển bền vững là xu thế chung của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và kiến tạo nền kinh tế xanh: "Kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp.

Trong đó, ESG là một xu thế tất yếu, cung cấp khung đánh giá về Môi trường, Xã hội và Quản trị trong vận hành doanh nghiệp, giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro và cơ hội về ba khía cạnh này".

Gần đây, nhận thức của các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và công chúng nói chung ở Việt Nam về tính bền vững đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt khi vấn đề môi trường nổi lên như một trong những thách thức hàng đầu nhất, tác động đến tăng trưởng kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Mới đây, sự kiện Vietnam Innovators Summit 2023 - Green Horizonlà sự kiện B2C (viết tắt của Business-to-Consumer) kéo dài một ngày, tập trung vào việc truyền cảm hứng và thu hút người tiêu dùng và doanh nghiệp tận tâm hành động vì các sáng kiến và đổi mới bền vững như một phần trong hành trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Dàn diễn giả uy tín tại chương trình bao gồm lãnh đạo từ các công ty, doanh nhân môi trường và xã hội, chuyên gia, nhà lãnh đạo tư tưởng và người có ảnh hưởng. Các chủ đề được thảo luận trong sự kiện rất đa dạng gồm: Thay đổi thói quen để hành động bền vững; Định hình tương lai - sáng kiến cho một tương lai xanh hơn; Xây dựng một thương hiệu bền vững: Giá trị và mục tiêu; Lựa chọn và thực hành lối sống Eco-friendly.

Ngoài ra, các diễn giả còn bàn luận, tìm hiểu các case study, các ý tưởng bền vững thành công tại địa phương, hướng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong mục tiêu cùng hành động vì môi trường và phát triển bền vững./.

BÌNH NGUYÊN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024