ISSN-2815-5823

Phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại đồng bằng sông Cửu Long

(KDPT) – Sau gần 10 năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động xây dựng, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn(CĐML) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến nay đã khẳng định hiệu quả, giúp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn dẫn đến việc mở rộng diện tích bị hạn chế và chưa thể áp dụng rộng khắp.

Thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 tại mô hình “Cánh đồng lớn” ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ

Tại ÐBSCL, ngay từ vụ lúa hè thu đầu tiên triển khai mô hình vào năm 2011 đã có 13 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện mô hình CÐML, diện tích đạt 7.800 ha, với khoảng 6.400 hộ dân tham gia. Ðến vụ đông xuân 2011-2012, CÐML tại ÐBSCL đã tăng lên 15.500 ha và những năm gần đây được duy trì với diện tích hàng vụ ổn định khoảng 140.000-150.000 ha. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, mỗi ha lúa ở ÐBSCL tham gia CÐML có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.

Với chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả trên toàn quốc đến cuối năm 2020, thì kết quả đến tháng 8-2020 cả nước đã có trên 16.000 HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả (vượt kế hoạch 1.000 HTX). Vùng ĐBSCL cũng có thành quả rất khích lệ, với 2.000 HTX, trong đó có 1.364 HTX ở lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu là HTX trồng lúa…

Hằng năm, vùng ÐBSCL gieo trồng bình quân hơn 1,5 triệu ha lúa trong vụ đông xuân, hơn 1,5 triệu ha lúa vụ hè thu và khoảng 750.000-800.000 ha lúa vụ thu đông. Do vậy, với diện tích tham gia CÐML trong mỗi vụ lúa bình quân chỉ có 140.000-150.000 ha là còn khiêm tốn.

Thực tế, mô hình CÐML còn gặp khó trong nhân rộng và phát triển bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, đáng chú ý là một bộ phận không nhỏ nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, tính tổ chức và kỷ luật chưa cao và chưa thấy rõ các lợi ích của CÐML nên chưa mong muốn và nỗ lực tham gia. Ðồng thời, muốn phát triển CÐML hiệu quả, rất cần có doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân. Tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp đứng ra đặt hàng, bao tiêu lúa cho nông dân tại CÐML vẫn còn hạn chế. Các doanh nghiệp đã có mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại CÐML cũng khó mở rộng thêm quy mô, diện tích bao tiêu do gặp khó về tài chính và khả năng tổ chức phương tiện, máy móc và nguồn nhân lực để đảm bảo thu mua lúa kịp thời cho nông dân theo hợp đồng bao tiêu. Lúa được thu hoạch tập trung với sản lượng lớn, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp bao tiêu gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, thiết bị phơi sấy và kho chứa lúa, cũng như cần nguồn vốn rất lớn để thanh toán tiền cho nông dân.

Mặc dù nông dân và doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ lúa nhưng vẫn xảy ra tình trạng “bẻ kèo” giữa 2 bên khi giá cả thị trường có biến động lớn hoặc do chậm trễ trong thu mua hay do chất lượng lúa bị ảnh hưởng bởi các điều kiện sản xuất bất lợi…

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT, vai trò của liên kết cực kỳ quan trọng trong chuyển đổi ngành lúa gạo bền vững và phát triển các chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh, nhằm đạt giá trị gia tăng cao hơn, bền vững hơn, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.

Để mô hình CĐML phát triển và nhân rộng hơn, các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn trên. Trong đó, chú ý tiếp tục thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của nông dân trồng lúa và huy động tốt sự tham gia của doanh nghiệp. Kịp thời có giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa của nông dân và quan tâm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy liên kết và giải quyết tốt các tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà nông và doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển CÐML với sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ người dân tại các tổ hợp tác CÐML tiến lên thành lập các hợp tác xã (HTX). Từ đó, nâng cao năng lực hoạt động và chủ động hơn trong tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp đến bao tiêu lúa. HTX cũng là tổ chức đảm bảo tính pháp lý trong ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không còn tình trạng nông dân “bẻ kèo” doanh nghiệp…

Cần áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và bảo đảm phát triển bền vững. Có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây: Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ – doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân; liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

Bên cạnh đó là vấn đề khó khăn về vốn của các doanh nghiệp. Nông dân không trồng lúa theo nhu cầu thì Công ty vẫn bao tiêu được. Nhưng Công ty không có đủ tiền để mua lúa đó về tạm trữ chờ bán. Để tháo gỡ những khó khăn này, đại diện các doanh nghiệp lúa gạo cho rằng nhất định phải có sự vào cuộc của ngân hàng. Theo ông Phạm Thái Bình Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trụ sở tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay để xuất khẩu gạo bình thường còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì hầu như chưa có ngân hàng nào làm. Nhà nước cần tập trung đầu tư và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để mô hình này tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn. Trong đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nòng cốt thì cần được ngân hàng cho vay đủ vốn để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết theo từng dự án được các tỉnh, thành phố phê duyệt dựa trên các tiêu chí, quy định của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.

LÂM KHANH

Bạn đang đọc bài viết Phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại đồng bằng sông Cửu Long
tại chuyên mục Kinh tế.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024