ISSN-2815-5823

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xây dựng dựa trên nghiên cứu khoa học và đánh giá tác động thực tế

(KDPT) - Ngày 7/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Hội thảo nhằm phân tích và thảo luận về những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật.

Chương trình có sự tham gia của đại diện các ủy ban chuyên trách của Quốc hội, Ban Chính sách Chiến lược Trung ương, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phát biểu tại hội thảo.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phát biểu tại hội thảo.

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, bên cạnh những ý kiến được cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc và chỉnh sửa Dự thảo Luật, vẫn còn những vấn đề cần được thảo luận làm rõ để nâng cao chất lượng Dự thảo Luật. Đặc biệt là về lộ trình và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà nhiệt độ, rượu bia và nước giải khát có đường.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, liên quan việc áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, tại kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề như: Trong bối cảnh hiện nay, nên hay chưa nên áp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường? Về thuế suất, cần áp thuế ngay 10% hay cần có lộ trình phù hợp? Đã công bằng chưa nếu chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường mà không áp thuế với các loại đồ uống có đường khác.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đã đề nghị nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học chứng minh việc sử dụng nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml sẽ gây ra tình trạng béo phì; làm rõ tác động chính sách đối với người tiêu dùng, hoạt động của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách…

TS. Nguyễn Văn Phụng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, việc áp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần, từ đó có sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.  

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Cụ thể, với giả định áp Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ dẫn tới thiệt hại đối với giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế là khoảng 55.519 tỷ đồng, tương đương với mức sụt giảm 0,164%; tổng giá trị tăng thêm của nên kinh tế giảm 0,6%, tương đương với sụ giảm về GDP khoảng 0,448%.

Bên cạnh đó, việc áp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, đối với nhiều loại thuế, khoản thu. Ngoài việc nộp các loại thuế theo quy định hiện hành sẽ phải chịu thêm các loại phí mới như phí tái chế, xử lý chất thải theo Luật bảo vệ môi trường (áp dụng từ ngày 01/01/2024), các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải đang chuẩn bị bổ sung, việc điều chỉnh tăng giá thuê đất theo thực tiễn các địa phương.

Do vậy, nếu áp dụng ngay mức thuế suất dự kiến 10% từ khi Luật có hiệu lực (2026) thì gánh nặng về thuế, phí, chi phí và sức ép đẩy tăng giá bán, giảm hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường sẽ là rất lớn.

TS. Nguyễn Văn Phụng kiến nghị, xem xét lại và cân nhắc kỹ lưỡng về đề xuất đưa vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống là nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Đặc biệt là chỉ nên áp dụng đối với các sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và có hàm lượng đường trên 5gram/100 ml hay mở rộng đối với các sản phẩm nước giải khát có đường để đảm bảo tính công bằng.  

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bày tỏ: “Do những mục tiêu về bảo vệ sức khỏe và thu ngân sách đều không đạt được, trong khi lại có những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe doanh nghiệp, chúng tôi kính đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc kỹ việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào diện chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu có, thì cần có một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị về tài chính hoặc điều chỉnh công thức sản phẩm”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Cụ thể, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất lộ trình như sau: Trong vòng 2 năm đầu kể từ khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực (2026 - 2027) đề nghị chưa áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường; Trong 3 năm tiếp theo (2028 - 2030) áp dụng mức thuế suất 5% với toàn bộ các sản phẩm nước giải khát có chứa đường (không phân biệt hàm lượng đường trong sản phẩm hay sản phẩm có theo tiêu chuẩn Việt Nam không); Kể từ năm thứ 6 (tức năm 2031) áp dụng mức thuế suất 10% đối với toàn bộ các sản phẩm nước giải khát có chứa đường./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/03/2025