Đội tàu biển của Việt Nam trước thách thức chuyển đổi xanh
Hội thảo thu hút sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước như Viện chiến lược giao thông vận tải Bộ Xây dựng, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan Đăng kiểm quốc tế cùng đông đảo đại diện từ nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế về công nghiệp đóng tàu, hàng hải, công trình ngoài khơi…
Hội thảo "Chuyển đổi xanh trong ngành Hàng hải & điện gió ngoài khơi - Tiềm năng phát triển tại Việt Nam" tập trung thảo luận về tiềm năng, thách thức và định hướng phát triển bền vững cho ngành hàng hải và năng lượng tái tạo của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hướng tới giảm phát thải và ứng dụng công nghệ xanh.

Phát triển đội tàu vận tải và ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam; Cơ hội của ngành đóng tàu, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam; Giải pháp và ứng dụng công nghệ xanh trong thiết kế và đóng tàu của Tập đoàn Damen trên toàn cầu; Thực trạng đội tàu của VIMC và kế hoạch đầu tư trẻ hóa đội tàu; Giới thiệu các công ước, qui phạm mới trong đóng mới tàu biển sử dụng năng lượng xanh; Kế thừa và định hướng của ngành đóng tàu trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Các chủ đề được quan tâm sẽ xoay quanh giải pháp năng lượng sạch, công nghệ xanh và xu hướng phát triển bền vững trong ngành hàng hải.
Các đại biểu tại hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải. Đáng chú ý, Hãng vận tải container lớn nhất thế giới Maersk đã ra mắt tàu container đầu tiên chạy bằng methanol xanh vào năm 2023, sớm hơn 7 năm so với dự kiến. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển xanh đang diễn ra mạnh mẽ và các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích ứng để không bị tụt hậu.
Hội thảo đã tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải và phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Việc tham gia tích cực của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và các doanh nghiệp khác cho thấy sự quyết tâm và cam kết trong việc hướng tới phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải và năng lượng tái tạo toàn cầu.
Dù đã có những bước phát triển tích cực trong những năm qua nhưng chất lượng tàu và công nghệ vận hành vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp vận tải biển, khi phải cạnh tranh với các đội tàu quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng xu hướng vận tải hàng hóa theo các tuyến đường biển mới.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Tổng giám đốc VIMC nhận định, đội tàu hiện tại của VIMC đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm đội tàu già cũ, thiếu tàu trọng tải tải lớn, tàu container chuyên dụng, hiệu quả khai thác thấp và khả năng cạnh tranh hạn chế. Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh mà còn đặt ra thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của Công ước quốc tế và các qui định của chính quyền cảng tại các quốc gia. Để khắc phục, VIMC đã đề ra chiến lược phát triển đội tàu thế hệ mới, đáp ứng tiêu chuẩn xanh và tiết kiệm nhiên liệu trong thời gian sắp tới.

Còn ông Phạm Hoài Chung - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho biết, vận tải biển và công nghiệp tàu thủy là ngành có sức lan tỏa rộng nhất trong Chiến lược phát triển kinh tế biển của mỗi quốc gia biển. SBIC và các liên doanh của mình hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu quy mô lớn, chiếm hơn 60% năng lực đóng tàu của Việt Nam. Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu có những chính sách mới hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, thúc đẩy liên kết với các đối tác quốc tế, khuyến khích đầu tư hạ tầng và hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ.
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, đội tàu vận tải Việt Nam cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ngành công nghiệp đóng tàu cần phát triển mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu vận tải biển trong và ngoài nước./.
- Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 10 về Công nghệ đóng tàu và Công trình ngoài khơi (Vietship 2025)
- Doanh nghiệp chuyển đổi xanh cho mục tiêu phát triển bền vững
- Hành trình chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt