ISSN-2815-5823

Phòng ngừa “tín dụng đen” Cấp thiết và lâu dài

7.624 vụ liên quan đến “tín dụng đen”

(KDPT) – “Tín dụng đen” đã được các cơ quan chức năng cảnh báo trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, với cách thức hoạt động tinh vi, thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận… “tín dụng đen” đã khiến không ít người trở thành nạn nhân. Vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện thể chế về lãi suất, có giải quyết được tình trạng “tín dụng đen”?

Theo thống kê của Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền). Hiện, lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

Ảnh minh họa.

Điều đáng quan tâm hơn, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập ở hầu hết các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp (DN) để hoạt động. Phương thức hoạt động của các đối tượng phổ biến là phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an.

Cần sớm có giải pháp

Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; đặc biệt đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự…

Tuy nhiên, có thể thấy bên cạnh các giải pháp của ngành công an thì rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành khác như ngân hàng, tư pháp. Được biết, trước tình trạng nhiều người dân rơi vào “bẫy tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc với nhiều gói tín dụng với phương châm đáp ứng nhu cầu tín dụng của mọi khách hàng. Trên thực tế, người dân tiếp cận với tín dụng đen khi cần giải quyết những khoản chi tiêu gấp gáp, cấp thiết, nhưng việc tiếp cận vốn ngân hàng còn qua nhiều quy trình thẩm định, chưa thể giải ngân ngay được. Hiện, việc tiếp cận vốn ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng còn ít nhiều rào cản, nhất là với những người thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp hoặc phương án trả nợ khả thi như công nhân, người làm nghề kinh doanh tự do, buôn bán nhỏ…

Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực “tín dụng đen”. Bước đầu cho thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính, đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên.

Như vậy, có thể thấy nếu chờ sự hoàn thiện pháp luật thì sẽ mất 1- 2 năm nữa, không loại trừ khả năng khi những vấn đề về thể chế đã được giải quyết thì trên thực tế lại phát sinh những vấn đề mới. Trong lúc chờ đợi việc hoàn thiện thể chế thì Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước cần sớm triển khai các giải pháp nêu trên, đặc biệt là việc đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, ưu tiên các khoản vay không cần tài sản thế chấp (thay bằng hình thức tín chấp).

Đình Khoa

Theo daibieunhandan.vn

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024