ISSN-2815-5823
Duy Khánh
Thứ năm, 09h12 11/07/2024

Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển Cụm công nghiệp

(KDPT) - Cùng với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp (CCN), nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, khu vực nông thôn.

Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 2/2024. Trong đó, có 2/27 dự án phải chuyển đổi đất rừng là dự án Cụm công nghiệp (CCN).

Cùng với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp (CCN), nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường trong sản xuất, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững chung của toàn tỉnh.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng diện tích 10 CCN, với tổng diện tích là 517,54ha. Trong đó, 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74ha, thu hút được 434 dự án thứ cấp với 5.155 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 68,9%. Còn lại 5 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố, Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất 6.589,03 ha cho 8 KCN mới và 1.626,31 ha cho 28 CCN.

Trong số 28 CCN được quy hoạch thành lập thì đến nay mới có 2 CCN đã cơ bản các thủ tục đầu tư ban đầu. Một là tại huyện Tiên Yên và hai là tại huyện Đầm Hà.

Cũng chính 2 dự án này vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án tại Kỳ họp thứ 19, diễn ra từ ngày 8-10/7/2024. Đây là cơ sở pháp lý quan quan trọng thực hiện công tác GPMB, tiến tới khởi công xây dựng dự án.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp

Đại diện Công ty CP Shinec (tại Hải Phòng) – Chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Phía Đông Đầm Hà B, quy mô 60,1 ha tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sau khi được Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ninh để thực hiện dự án Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, chúng tôi đã tích cực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để sớm triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết. Quy hoạch đã rõ ràng, lại nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ sát sao từ Chính quyền huyện Đầm Hà và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, nên chỉ sau thời gian ngắn, đến tháng 6 vừa qua, Công ty đã nhận được, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư”.

Vị này cũng cho biết thêm, sau khi được phê duyệt chuyển đổi đất rừng thuộc phạm vi dự án, thì chỉ trong trong quý IV/2024 là công ty có thể có được mặt bằng sạch để thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư được giao đất đúng tiến độ thì dự kiến đến hết quý II/2025, sẽ hoàn thành đầu tư hạ tầng dự án và đi vào hoạt động.

Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nên chú trọng trong việc lựa chọn và thu hút các nhà đầu tư có chất lượng.
Huyện Đầm Hà đặt mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nên chú trọng trong việc lựa chọn và thu hút các nhà đầu tư có chất lượng.

Theo Sở Công thương Quảng Ninh, để thực hiện lộ trình phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh bền vững, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiên quyết khắc phục những tồn tại, khó khăn còn vướng mắc. Trong đó, chủ động tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN, bảo đảm đúng định hướng, thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các CCN trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh, quản lý CCN chặt chẽ, bài bản, đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, phối hợp quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự… tại các CCN đã và đang đi vào hoạt động; thiết lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác hỗ trợ di dời đối với các cơ sở và chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu, khó khăn vướng mắc của CCN tại các địa phương để xem xét, tháo gỡ kịp thời.

Việc các CCN sớm được đưa vào hoạt động sẽ góp phần giúp các địa phương còn nhiều khó khăn như Đầm Hà, hay Tiên Yên thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện; di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... ra các cụm công nghiệp nhằm không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Đặc biệt, việc phát triển các CCN được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm như Shinec sẽ giúp dự án được triển khai bài bản, nhanh chóng lấp đầy, đóng góp tốt vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững chung của tỉnh Quảng Ninh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/10/2024