ISSN-2815-5823
Duy Khánh
Thứ năm, 10h08 11/04/2024

Rà soát, hoàn thiện chính sách, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

(KDPT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ rà soát cơ chế, chính sách để thể hiện được tính đặc thù của khoa học, công nghệ, bao gồm việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.​

Đó là nội dung được bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho hay tại họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra vào chiều 10/4.

Theo đó, Việt Nam sẽ rà soát cơ chế, chính sách để thể hiện được tính đặc thù của KH&CN, bao gồm việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TL
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: TL

Theo bà Diệp, Quốc hội khóa XV cũng đã giao Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH&CN, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều đó cho thấy, chủ trương này đã được thể hiện xuyên suốt. Trong quá trình sửa đổi Luật, Bộ sẽ có nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương thành các quy định.

Bà Diệp cũng cho hay, thực tế Luật KH&CN cũng có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro nghiên cứu khoa học ở Điều 23 về ưu đãi trong sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài.

Cụ thể, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước. Điều này diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do nguyên nhân khách quan dù đã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình.

Với Luật KH&CN đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, chính sách này sẽ còn được hoàn thiện. Dự thảo về quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu đã được mở rộng hơn so với quy định hiện hành.

Liên quan đến các nội dung về trí tuệ nhân tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Trần Anh Tú cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm trở lại đây, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng phát triển này.

Rà soát, hoàn thiện chính sách, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học - ảnh 2

Nhận thức được tầm quan trọng của AI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm tạo ra "cú hích" cho ngành AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI. 

Cũng theo ông Trần Anh Tú, thời gian qua, các bộ, ngành đã vào cuộc trong việc xây dựng văn bản hành lang, từng bước tạo điều kiện trong phát triển trí tuệ nhân tạo, nhất là vấn đề dữ liệu. Ngày 2/2/2024 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về dữ liệu quốc gia. Đây là cơ sở, dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đã có một số chương trình nghiên cứu khoa học như Chương trình KC01 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, chính sách về AI đã được ban hành với Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, với AI, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi nhưng phải đảm bảo hai yếu tố; một mặt Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nghiên cứu, ứng dụng vào đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Việt Nam cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước theo hướng có trách nhiệm, phù hợp với văn hóa Việt Nam và tránh thiệt hại. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, phát triển công nghệ số phải song hành cùng trách nhiệm và đạo đức.

Về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phó Cục trưởng Cục phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo Nguyễn Đức Hoàng đã làm rõ các khái niệm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và làm thế nào để chuyển tri thức thành giá trị, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong quý II/2024, Bộ tiếp tục tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Ban hành các Thông tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cũng trong quý II/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác quốc tế; đồng thời, tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và phát động các hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024; tổ chức sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4. Đặc biệt, hướng tới Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng tổ chức triển lãm thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024