ISSN-2815-5823

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Cần có trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ thế giới

(KDPT) - Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Bộ KH&CN rà soát, làm rõ môi trường pháp lý, hành lang hoạt động của khoa học công nghệ; đẩy mạnh việc trọng dụng nhân tài; xây dựng những trung tâm, viện nghiên cứu tầm cỡ khu vực và thế giới; quy định cụ thể việc chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học.

Chiều 28/9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác tham mưu xây dựng và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/12/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận 50-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế… Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện, trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo trong tháng 10/2023.

Bộ đã tham mưu các chính sách, pháp luật thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức…Bộ KH&CN và các bộ, ngành đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về KH&CN nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần đổi mới.

Thực hiện nhiệm vụ được giao Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai nhiều Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng giai đoạn 2016-2020 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tiêu biểu như: Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinhtế - xã hội”.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đã góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng; phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách cấp Trung ương, địa phương; chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp, điển hình là các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề an ninh việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chuyển giao cho các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Lao động Thương bình xã hội các tỉnh Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam và Đà Nẵng, các vấn đề về phát triển du lịch nông nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long được chuyển giao cho các tỉnh ở Đồng Bằng Sông cửu Long, vấn đề thu hút khách du lịch Nga được chuyển giao cho Khánh Hòa...; Chương trình “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đã báo cáo kiến nghị kịp thời và chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng; phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch…

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức khoa học có liên quan để thống nhất về chủ trương thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lý luận theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST như: Xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông trước, trong và sau khi Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng Khóa XI thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW;Tham gia các đoàn khảo sát của Tổ Biên tập tại các Bộ, ngành, địa phương, truyền thông một số Hội thảo trong khuôn khổ Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; đăng tải các bài viết, chuyên đề về cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của Lãnh đạo Bộ KH&CN trên Tạp chí Tuyên giáo.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN thường xuyên phối hợp với gần 50 cơ quan thông tấn, báo chí sản xuất hàng nghìn tin, bài, video clip, phóng sự... truyền tải các nội dung, thông điệp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, thời gian qua, lĩnh vực KH,CN&ĐMST vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST ở nước ta chậm đổi mới, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH,CN&ĐMST, chưa phù hợp thông lệ quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của Việt Nam cũng như các bối cảnh mới, xu thế mới đang diễn ra trên thế giới; Chính sách, pháp luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST còn thiếu đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách, kế toán,… dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định về quản lý KH,CN&ĐMST; tiềm lực và trình độ KH,CN&ĐMST quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm dẫn đầu khu vực. Đội ngũ cán bộ KH&CN đã phát triển nhưng chưa đủ số lượng và chất lượng. KH&CN chưa thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế,…

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát triển KH,CN&ĐMST trong thời gian tới như: đổi mới sáng tạo,thu hút nguồn lực đầu tư từ ngoài nhà nước và xã hội cho đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư đối với hoạt động KH,CN&ĐMST, về tự chủ của tổ chức KH&CN. Tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu ngày 28/9. Ảnh: Hoàng Phong
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu ngày 28/9. Ảnh: Hoàng Phong

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ. Đây là lĩnh vực quan trọng để góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Thời gian qua, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về lĩnh vực KHCN&ĐMTS. Cụ thể, ngày 27/9 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu, trong đó Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đây là điều đáng tự hào để chúng ta tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu cao hơn nữa.Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học, công tác tham mưu xây dựng và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST đã đạt được kết quả nhất định.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành KH&CN cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương nâng cao chất lượng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan nhà nước về lĩnh vực KH,CN&ĐMST, xây dựng đội ngũ tri thức. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả để thực hiện chủ trương đường lối của Đảng,chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực KHCN&ĐMST.

Nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học và đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, nổi cộm trong lĩnh vực KH&CN, góp phần thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Nhà nước về KH&CN.

Đồng thời, cần thu hút và trọng dụng đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học; lựa chọn ngành mũi nhọn, hướng đột phá; tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN; phát triển hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao cho KHCN&ĐMST và đầu tư mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng KHCN&ĐMST vào cuộc sống, góp phần phát triển đất nước bền vững./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024