Rác thải điện tử: Cần có biện pháp xử lý phù hợp
Rác thải điện tử gây nguy hại
Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử ở vòng đời cuối như hư hỏng, lỗi thời... và những loại rác này có thể đem tái chế được như đầu đĩa DVD, máy in, tivi, điện thoại, laptop...
Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người như cadium trong điện trở, chì, thủy ngân...
Rác thải điện tử chứa nhiều chất thải cực kì độc hại và hiện nay lượng rác này đang ngày càng tăng lên nhất là những nước đã và đang phát triển, đe dọa đến môi trường và sức khỏe con người.
Những rác điện tử như điện thoại, tủ lạnh... nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng những chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Những loại rác này thường được tạo bởi những kim loại nặng, những hợp chất hóa học dễ xâm nhập vào đất và nước.
Ở Việt Nam, các vựa ve chai thường thu mua loại rác này và họ tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để bán lại. Chính vì sự vô tình này đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần thẩm thấu vào nguồn nước ngầm.
Không chỉ vậy, tay chân họ cũng dính những chất kim loại nặng đó, mặc dù rửa với xà bông nhưng nó vẫn sẽ còn bám lại và dễ gây bệnh cho họ về đường hô hấp, thậm chí ưng thư, suy giảm nhận thức...
Bên cạnh đó, đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi.
Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nơi đó khi sử dụng nước để nấu nướng, tắm rửa.
Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử
Số liệu thống kê từ Viện KH&CN Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho thấy, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là tivi có thể lên tới 250 nghìn tấn. Mặc dù là chất thải nguy hiểm nhưng hầu hết chúng lại được thu gom và xử lý cùng những loại vật liệu dễ tái chế, phần còn lại bị tiêu hủy hoặc đưa vào các bãi chôn lấp chất thải rắn.
Tuy nhiên, vì chứa các thành phần kim loại quý hiếm, nên rác thải điện tử cũng là một nguồn tài nguyên có giá trị nếu có phương pháp thu gom, tái chế hiệu quả. Bên cạnh lượng rác thải điện tử nội địa, một lượng lớn rác thải điện tử và phế liệu, thiết bị điện tử, máy móc cũ đã qua sử dụng được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh.
Tại các quốc gia phát triển, rác thải điện tử được thu hồi và xử lý theo cơ chế quản lý của nhà sản xuất. Hoạt động thu gom và phân loại rác thải tại nguồn được người dân, nhà sản xuất thực hiện nghiêm ngặt. Chính những công ty sản xuất ra các sản phẩm phải chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng.
Từ năm 2013, Việt Nam đã ban hành quy định rõ ràng về danh mục các sản phẩm điện và điện tử thải bỏ cần được thu hồi và xử lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc quản lý rác thải điện tử phát sinh từ hộ gia đình vẫn chưa nằm trong sự quản lý của Nhà nước, mà thường được các tư nhân thu gom và tái chế. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý rác thải điện tử.
Hiện nay, quá trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam vẫn đang thực hiện thủ công. Rác thải điện tử chủ yếu được thu gom bởi người thu mua phế liệu, các cơ sở tái chế vừa và nhỏ và tập kết lại tại các làng nghề để tái chế.
Việc tái chế rác thải điện tử hiện nay đa phần sử dụng phương pháp hỏa luyện và thủy luyện với công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Ngoài ra, rác thải điện tử còn được nhiều người tái sử dụng để bán trở lại thị trường. Tuy nhiên, lượng thiết bị được thu gom vẫn còn hạn chế so với lượng rác thải phát sinh.
Ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải điện tử
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã công bố nhiều nghiên cứu và triển khai dự án xử lý rác thải điện tử vào thực tế, từ đó đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp. Một số kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và áp dụng thành công vào thực tiễn, tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái. Một số giải pháp và công nghệ nổi bật và hiệu quả đã được các nhà khoa học Việt Nam phát triển.
Đầu tiên là lò đốt bản mạch và tái chế kim loại bằng hồ quang điện, do PGS.TS Lê Văn Lữ và các đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo, đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.
Công nghệ này đã được áp dụng tại nhiều địa điểm khác nhau và nhận được đánh giá tích cực về tính hiệu quả, giúp thu hồi kim loại quý nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng khí thải ra ngoài môi trường. Ưu điểm của lò đốt là có hiệu suất sử dụng cao, chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn so với lò đốt thông thường.
Tiếp đến là công nghệ thu hồi Yttri và Europi từ bóng đèn huỳnh quang sau sử dụng của TS Hà Vĩnh Hưng - Đại học Bách khoa Hà Nội. Với giải pháp này, bóng đèn huỳnh quang không sử dụng, sẽ bị đập vỡ bằng phương pháp cơ học hoặc phương pháp siêu âm, sau đó được phân tách và thu hồi bột huỳnh quang. Đặc biệt, công nghệ này cũng có thể được áp dụng cho nhiều loại chất thải điện tử khác như màn hình hoặc đèn LED.
Mặc dù, các công nghệ xử lý và thu hồi chất thải điện tử tại Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu. Nhưng so với các nước trên thế giới, các sáng chế, kết quả nghiên cứu và các công bố còn hạn chế về số lượng. Đồng thời, việc triển khai dự án quy mô công nghiệp xử lý rác thải điện tử vào thực tế còn nhiều vướng mắc.
Do vậy, để xử lý rác thải điện tử, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ xử lý và thu hồi chất thải điện tử. Việt Nam cần chú trọng phát triển cả các giải pháp phi công nghệ, bao gồm việc thu gom, phân loại và quản lý rác thải điện tử tập trung.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế.
Việt Nam cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế; xây dựng hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của rác thải điện tử để phân loại, thu gom, xử lý đúng cách./.
- Ngành Du lịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
- Tái chế rác thải thủy tinh tại Việt Nam: Thách thức và đề xuất chính sách