Ngăn ngừa rác thải nhựa từ nguồn và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero của Việt Nam Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu |
Tại Hội thảo "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị", TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có bài phát biểu về vấn đề ô nhiễm rác nhựa tại các đô thị.
Theo TS. Tạ Đình Thi, ô nhiễm rác nhựa là một trong những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất hiện nay. Rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái nói chung, môi trường biển nói riêng và tác động đến sức khỏe con người, sự phát triển kinh tế của các cộng đồng và tiềm năng du lịch...
TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Tính đến cuối năm 2022, hệ thống đô thị tại Việt Nam có 888 đô thị (tăng 133 đô thị so với năm 2010). Tỷ lệ đô thị hoá cả nước hiện ước đạt khoảng 41,17%. 28/63 tỉnh, thành Việt Nam có biển thì có khoảng 40 đô thị biển lớn, nhỏ dọc theo bờ biển đã và đang phát triển, trong đó có thành phố lớn nhất là TP.HCM (đô thị đặc biệt), thành phố cảng lớn như TP. Hải Phòng (thành phố loại I trực thuộc TW), TP. Đà Nẵng (thành phố loại I trực thuộc TW).
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những nước có lượng rác nhựa thải ra biển lớn nhất. Hiện nay, có nhiều con số thống kê về lượng rác thải nhựa phát sinh hàng năm và số liệu mới nhất được công bố chưa chính thức trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện là 2,9 triệu tấn. Trong đó bao gồm 1,55 triệu tấn ở đô thị và 0,85 triệu tấn ở nông thôn, chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế.
Ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh và mức tiêu thụ này cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới, mức tăng trưởng của ngành này khoảng 10%/năm. Thực tế rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn nạn lớn, đặc biệt là đối với đô thị và các tỉnh ven biển ở Việt Nam.
Để cùng với cộng đồng quốc tế xử lý căn cơ vấn đề này, có thể nói ở các cấp độ chính sách quan trọng nhất, Việt Nam đã đề ra những mục tiêu, yêu cầu và hành động cụ thể. Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030: "Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường".
Vấn đề rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cũng đã được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngày 04/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, ngày 20/8/2020 ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; tiếp đó, ngày 22/7/2021, ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg về Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Điều này, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn nạn về ô nhiễm nhựa.
TS. Tạ Đình Thi chia sẻ mong muốn các học giả tiếp tục làm sâu sắc hơn những vấn đề thách thức chủ yếu và giải pháp cấp bách, cũng như lâu dài đối với công tác quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa đại dương, với trọng tâm là rác thải nhựa tại các đô thị.
Trong đó, cần tập trung vào 5 nhóm nội dung giải pháp, hành động cụ thể: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương. (2) Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực đô thị ven biển và trên biển. (3) Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; (4) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa; (5) Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Vấn nạn rác thải nhựa đại dương |
TS. Tạ Đình Thi cho rằng sự chủ động và hành động quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ là cơ hội để cải thiện môi trường sống xanh, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, du lịch, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Ông Tạ Đình Thi đã đưa ra lời kêu gọi hành động và khuyến khích 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng tham khảo, thử nghiệm các mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả cũng như giảm thiểu chất thải nhựa tại các địa phương. Sự chủ động và hành động quyết liệt của các địa phương trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ giúp tạo ra môi trường trong sạch cho người dân, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế như du lịch, giao thông, thuỷ sản.., mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương, hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa rác thải nhựa từ nguồn và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2019, đã đặt các mục tiêu tham vọng đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa,...
TS. Tạ Đình Thi đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và nhiệt thành của Ông Prasanna De Silva, Tổng Giám đốc Văn phòng WWF toàn cầu và WWF trong quá trình thúc đẩy các hoạt động liên quan đến quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam. TS. Tạ Đình Thi cũng cho biết Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các mô hình cần thiết và sẵn sàng học hỏi từ các điển hình tốt trên thế giới và rất mong WWF tiếp tục đóng góp tích cực vào sự hợp tác liên quan đến rác thải nhựa cũng như quá trình vì tương lai xanh, phát triển bền vững cho Việt Nam./.
BẢO TRUNG