Sẵn sàng cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Gấp rút hoàn thiện dự thảo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh |
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" là một trong ba nhóm giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện kể từ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) năm 2021 và COP 28 đang diễn ra. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ công bố với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP 28 vào cuối tuần trước.
Như vậy, một quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo sẽ được triển khai, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ được thực hiện ngay vụ Đông Xuân 2023-2024 tới. |
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre). Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Về tổ chức sản xuất, 100% diện tích sản xuất có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vùng ĐBSCL hướng dẫn tổ chức triển khai đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm.
Sẵn sàng cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ được thực hiện ngay vụ Đông Xuân 2023-2024 tới, với diện tích 180.000 ha. Trong tuần này, đoàn công tác của Bộ NN&PTNTđang trực tiếp làm việc với các địa phương để đẩy nhanh triển khai đề án.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân, đặc biệt là các HTX. Chẳng hạn tại HTX Gò Gòn của tỉnh Long An thì toàn bộ diện tích hơn 460 ha đã sẵn sàng tham gia đề án.
Với 60.000 ha tham gia Đề án, Long An có hơn 81% diện tích ứng dụng 1 phải 5 giảm, áp dụng cơ giới đồng bộ, khâu xử lí rơm rạ đạt 80%.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phát, Long An, cho biết: "Theo tập quán, bà con dùng tới 10 bao phân, hiện nay có 6,7 bao thôi. Thuốc thì hạn chế trừ sâu, rầy chỉ phun 1 lần".
Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 dù mới được phê duyệt, nhưng 12 tỉnh, thành trong khu vực đã sẵn sàng từ sớm. Dự kiến, ngay trong vụ Đông Xuân này, sẽ có từ 180.000-200.000 ha tham gia thực hiện.
Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, chia sẻ: "Khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa, ngành nông nghiệp An Giang cũng đăng ký 200 nghìn ha. Tỉnh đang gắn kết với một số doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn, hướng đến một số vùng để tham gia trong phạm vi đề án này".
Giai đoạn 1, Đề án phấn đấu nâng mức lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 40%. Mục tiêu này là khả thi. Bởi chỉ áp dụng các giải pháp kĩ thuật, bà con đã có thể giảm chi phí đến 3,5 triệu đồng/ha. Trong chuyến khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT cùng các chuyên gia để triển khai Đề án 1 triệu ha, những tín hiệu khả quan đã được ghi nhận.
Nông nghiệp đóng góp khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó, trồng lúa nước là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nông nghiệp, chiếm một nửa tổng lượng phát thải trong nông nghiệp.
Phát thải khí mê-tan (CH4) và Dinitơ monoxide N02 từ chăn nuôi, trồng lúa nước, đất canh tác nông nghiệp, còn hoạt động đốt trong sản xuất nông nghiệp phát thải khí carbon dioxite (CO2).
Để phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030, như cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu, tháng 9 vừa qua, Việt Nam sẽ phải cắt giảm ít nhất 563 triệu tấn khí CO2 quy đổi, trong đó, lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp phải cắt giảm nhiều nhất.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của nước ta phát thải khoảng 88 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng phát thải toàn quốc. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa là lớn nhất chiếm 50% phát thải trong nông nghiệp. Để thực hiện cam kết quốc tế đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành nông nghiệp buộc phải thực hiện các giải pháp canh tác bền vững, giảm phát thải.
Ngành hàng lúa gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều sự kiện quan trọng. Lễ phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và khai mạc "Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023" sẽ diễn ra vào sáng thứ ba tuần tới tại tỉnh Hậu Giang. Những hoạt động này là khẳng định với thế giới về vai trò, trách nhiệm của Việt Nam không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới mà còn thực hiện các cam kết, trách nhiệm đối với toàn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu trong thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính./.
HƯƠNG LAN