Gấp rút hoàn thiện dự thảo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại.
Những thành quả đó có một phần hỗ trợ rất lớn của các tổ chức quốc tế và các tổ chức tín dụng trong nước cho người sản xuất và các doanh nghiệp vay đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng bày tỏ mong muốn có sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức tín dụng và tổ chức quốc tế để đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Theo dự thảo Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến rộng rãi, dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng đầu tư vào đề án. Trong số đó, 3.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, 8.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác.
Vốn ngân sách nhà nước thực hiện Đề án được lồng ghép trong các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, với mục đích chính là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông; đào tạo và tập huấn cho hợp tác xã và thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, khi tham gia vào đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết.
Các hợp tác xã sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng; được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo.
Các doanh nghiệp sẽ được vay ngân hàng đủ vốn ngắn hạn cho tiêu thụ lúa từ vùng liên kết và đủ vốn dài hạn cho đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn cacbon thấp.