ISSN-2815-5823

‘Sốt đất’ tại Cam Lâm (Khánh Hòa), nguyên nhân do đâu?

(KDPT) – UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất diễn ra trên địa bàn, song rất khó để khẳng định việc ngăn chặn sốt đất đã mang lại hiệu quả triệt để. Bởi lẻ những định hướng phát triển kinh tế xã hội tại Cam Lâm trong tương lai với nhiều điểm sáng tích cực đã tạo nên động lực mạnh mẽ ‘kích hoạt’ làn sóng đầu tư bất động sản tại khu vực này trong hiện tại.

Huyện Cam Lâm có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội và cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Khánh Hoà.

Cụ thể, huyện có Khu công nghiệp Suối Dầu; khu du lịch Hòn Bà, khu du lịch Bãi Dài sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu Du lịch – Thương mại mang tầm khu vực và quốc tế; có không gian đầm Thủy triều, gần hệ thống cảng biển Nha Trang, Cam Ranh và cảng hàng không Cam Ranh; có đường Quốc Lộ 1A chạy qua trung tâm huyện và đường sắt chạy từ phía Bắc đến phía Nam huyện; nằm giữa hai đô thị lớn của tỉnh là thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh.

Vị trí này là lợi thế rất lớn trong việc giao thương cũng như hỗ trợ đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh cũng như trên cả nước.

Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Cam Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 54.659 ha. Trong đó quy hoạch đến năm 2030, đất nông nghiệp được điều chỉnh giảm từ 46.840ha còn 42.903ha.

Song song với đó, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.142ha (tăng 4.887ha).

Đáng chú ý, đất thương mại dịch vụ tăng mạnh từ 623ha lên 1.815ha (tăng 1.192ha); đất ở nông thôn tăng gần 600ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400ha;…

Diện tích đất thương mại dịch vụ đến năm 2030 tăng thêm 1.191,93 ha do trong giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn huyện dự kiến thực hiện 50 công trình thương mại dịch vụ.

Quy hoạch đến năm 2030 cũng sẽ phát triển nhiều khu du lịch sinh thái trong rừng sản xuất như: Khu du lịch sinh thái (xã Cam Phước Tây – 84 ha); Khu du lịch sinh thái phía trên hồ Cam Ranh (xã Cam Tân – 20 ha); Khu du lịch sinh thái bản địa (xã Sơn Tân – 8,02 ha); khu du lịch sinh thái tại thôn Va ly (xã Sơn Tân – 20 ha); khu du lich sinh thái Hòn Bà mở rộng (xã Suối Cát – 24,26 ha); khu du lịch sinh thái trên hồ Suối Dầu (xã Suối Tân – 105,78 ha); Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch trải nghiệm Suối Dầu Nha Trang (xã Suối Tân, Suối cát – 127,00 ha);…

Diện tích đất giao thông đến năm 2030 là 2.676,86 ha; tăng thêm 1.155,56 ha do trong giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn huyện dự kiến xây dựng, mở rộng 183 công trình giao thông.

Đất Cam Lâm từng sốt xình xịch, hệ lụy khó lường

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2021, thị trường bất động sản tại Khánh Hòa bất ngờ được giới đầu săn đón, đặc biệt tại Cam Lâm. Cụ thể, thời điểm sau nới lỏng giãn cách xã hội, hàng trăm nhà đầu tư, môi giới lại đổ về huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để mua, bán đất nền. Nhiều dự án bất động sản ‘ma’ mọc lên, quảng cáo rầm rộ.

Cứ như vậy, huyện Cam Lâm lại “nóng” chuyện phân lô, bán nền khi hàng trăm cò đất khắp nơi đổ xô về nơi này.

Theo một số môi giới đất, sau khi một vài tập đoàn lớn công bố ý định đầu tư dự án khủng ở Cam Lâm đã khiến giá đất nơi này tăng vọt. Hàng chục dự án “hoành tráng” mọc lên ở Cam Lâm, như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside…

Đất Cam Lâm từng sốt nóng, hàng loạt dự án ‘ma’ xuất hiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản.

Các dự án này được công ty bất động sản như giới thiệu với những lời có cánh.

Trong khi thực tế thì phần lớn các lô đất được quảng cáo trước đây là đìa nuôi trồng thủy sản hoặc các vườn xoài, nhưng đã được các “cò” vẽ theo dạng dự án cách sân bay quốc tế Cam Ranh và các resort tại khu Bãi Dài và đang được chào bán với mức giá từ 10, 20, 25 triệu đồng/m2.

Các chủ đầu tư cho đổ đất làm đường, phân lô, trồng cây xanh, xây taluy, đổ đá… để trở thành dự án, được rao bán công khai. “Nhiều năm trước họ mua đất đìa tôm, vườn xoài rộng từ 1.000-2.000 m2. Các mảnh đất này sau đó được phân lô nhỏ để bán”, một người dân địa phương cho hay.

Cũng theo UBND huyện Cam Lâm, địa phương không hề có các dự án như đã đề cập ở trên.

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch huyện Cam Lâm, cho biết bản chất đây là các dự án phân lô bán nền.

“Kiểm toán Nhà nước, đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm việc với địa phương về vấn đề phân lô bán nền và UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo các sở ngành và địa phương xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận chính thức nên địa phương chưa thể tiến hành xử lý các vi phạm trên”, ông Bảo cho biết.

Ông Phan Việt Hoàng – Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhắc lại: Bài học cay đắng cách đây tròn 3 năm từ cơn sốt đất mang tên đặc khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) vào năm 2018 vẫn còn.

Trên thực tế đa số các khu đất phân lô bán nền đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp, không đưa vào sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và an sinh xã hội. Ông cho rằng “mô hình” này chỉ mang lại hiệu quả ngắn hạn về kinh tế trước mắt, còn về lâu dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, hệ lụy cho vấn đề an sinh xã hội.

MINH ĐỨC



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024