Sửa quy định chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi tên Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành "Thông tư quy định việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".
Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm
Điều 5 của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định về cơ quan thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như sau:
Cơ quan thẩm định cấp trung ương: Là các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thẩm định cấp địa phương: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi quy định này thành: Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận); kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, theo dự thảo, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu hoặc tham gia chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản để xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu chứng nhận y tế (chứng nhận an toàn thực phẩm); có yêu cầu lập và bổ sung danh sách cơ sở xuất khẩu hoặc các chứng nhận khác bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam: Cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận; kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm là các Cục quản lý chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công theo phạm vi quản lý (Cơ quan thẩm quyền Trung ương).
Trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các quy định riêng về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có tính đặc thù thì áp dụng theo quy định riêng đó.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại địa phương (trừ các cơ sở nêu trên): Cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận; kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm là các cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố giao thẩm quyền (Cơ quan thẩm quyền địa phương).
Thẩm định, cấp Giấy chứng nhận; kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm
Điều 6 Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT quy định các hình thức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm gồm:
1- Thẩm định để xếp loại: Là hình thức thẩm định có thông báo trước, nhằm thẩm định đầy đủ các nội dung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này; được áp dụng đối với:
- Cơ sở được thẩm định lần đầu;
- Cơ sở đã được thẩm định đạt yêu cầu nhưng sửa chữa, mở rộng sản xuất;
- Cơ sở đã được thẩm định không đạt yêu cầu nhưng sau đó đã khắc phục xong sai lỗi;
- Cơ sở đã được thẩm định đạt yêu cầu nhưng hoãn thẩm định đánh giá định kỳ có thời hạn quá 06 tháng;
- Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng bị thu hồi hoặc thay đổi chủ sở hữu và có thay đổi điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm so với ban đầu.
2- Thẩm định đánh giá định kỳ: Là hình thức thẩm định không thông báo trước, được áp dụng đối với các cơ sở đã được xếp loại đạt yêu cầu nhằm giám sát việc duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi quy định trên thành "Thẩm định, cấp Giấy chứng nhận; kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, theo dự thảo, việc thẩm định, cấp Giấy chứng nhận được áp dụng đối với:
- Cơ sở thuộc diện phải có Giấy chứng nhận khi hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này nhưng chưa được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận;
- Cơ sở đã được thẩm định không đạt yêu cầu nhưng sau đó đã khắc phục xong sai lỗi;
- Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng bị thu hồi;
- Cơ sở có Giấy chứng nhận còn hiệu lực ít hơn 6 tháng hoặc cơ sở ngừng sản xuất quá 12 tháng kể từ ngày có thông báo gửi Cơ quan thẩm định;
- Cơ sở thay đổi chủ sở hữu; Cơ sở có thay đổi về hệ thống quản lý, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm so với ban đầu (cơ sở sửa chữa, mở rộng sản xuất, chuyển địa điểm sản xuất mới).
Dự thảo nêu rõ, việc kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm được thực hiện theo Điều 17 Thông tư này./.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông sản
- Quảng Nam: Khai trương sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản
- Nhiều nông sản Việt kỳ vọng gia nhập "câu lạc bộ" tỷ USD