ISSN-2815-5823
Mộc Trà
Thứ tư, 16h02 15/05/2024

Tăng cường phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế và quản lý tuân thủ pháp luật thuế

(KDPT) - Quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế là một yêu cầu tất yếu của quản lý thuế hiện đại.

Thực tiễn sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp QLRR cho thấy, ngành Thuế đã kiến nghị xây dựng và cơ bản hoàn thiện được hành lang pháp lý khá toàn diện để áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng và hình thành kho cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế (NNT)…

Tăng cường phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế và quản lý tuân thủ pháp luật thuế. (Ảnh minh họa)
Tăng cường phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế và quản lý tuân thủ pháp luật thuế. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, QLRR trong quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục trong thời gian tới. Thông qua nghiên cứu thực trạng, nhận diện những tồn tại, hạn chế, bài viết đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả QLRR trong quản lý thuế.

Ở Việt Nam, trước năm 2015, QLRR là một nội dung còn khá mới. Để chuẩn bị cho việc áp dụng QLRR, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những bước chuẩn bị từ cơ chế, chính sách đến việc triển khai thí điểm ứng dụng trong nội ngành Thuế. Cụ thể, năm 2015, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 2176/QĐ-TCT ngày 10/11/2015 về việc cơ quan thuế các cấp áp dụng quản lý rủi ro trong công tác lập kế hoạch thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở NNT. Bộ tiêu chí gồm 20 chỉ số với việc gán điểm rủi ro tương ứng với các mức độ rủi ro và quy mô doanh nghiệp từ đó tiến hành lựa chọn NNT để phục cho việc thanh tra, kiểm tra thuế.

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ việc triển khai thí điểm ứng dụng QLRR vào hoạt động thanh tra thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung QLRR vào Luật quản lý thuế (QLT); đồng thời Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Những văn bản pháp lý trên đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc áp dụng QLRR trong QLT một cách đầy đủ, toàn diện, trong các khâu của nghiệp vụ quản lý thuế, góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác QLT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLT trong tình hình mới và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ ban hành Bộ tiêu chí và chỉ số phục vụ QLRR đáp ứng yêu cầu QLT trong từng thời kỳ và phù hợp với các quy định của pháp luật thuế. Các tiêu chí phân loại rủi ro gồm: Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với NNT; đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với NNT; lựa chọn trường hợp kiểm tra về đăng ký thuế; Lựa chọn hồ sơ khai thuế kiểm tra tại trụ sở cơ quan QLT; phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn đối tượng hồ sơ có dấu hiệu rủi ro để bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế...

Thông tư số 204/2015/TT-BTC nêu rõ, điều kiện và tiêu thức để phân loại NNT theo mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định áp dụng quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ quản lý thuế như: Quyết định số 1005/QĐ-BTC ngày 1/11/2016 về bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chon doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế; Quyết định số 1006/QĐ-BTC ngày 1/11/2016 về ban hành bộ tiêu chí, chỉ số lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT; Quyết định số 253/QĐ-BTC ngày 20/03/2017 về ban hành bộ tiêu chí và chỉ số phân tích thông tin đánh giá NNT có dấu hiệu rủi ro trong việc tạo, in, phát hành và sử dụng hóa đơn.

Với việc áp dụng quản lý rủi ro, trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 472.868 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt trên 89.896 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện thanh tra 35.757 cuộc, truy thu, truy hoàn và phạt 48.423 tỷ đồng, số thuế truy thu, truy hoàn và phạt bình quân một cuộc thanh tra tăng từ 1.134 triệu đồng (năm 2016) lên 1.969 triệu đồng (năm 2020), tương ứng mức tăng 173,7%. Về kiểm tra thuế, toàn ngành Thuế đã thực hiện 437.111 cuộc kiểm tra tại trụ sở NNT, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 41.473 tỷ đồng. Số thuế truy thu thêm so với số thuế DN kê khai cho thấy, cơ quan thuế đã nỗ lực trong phân tích rủi ro, tìm ra những sai phạm trọng yếu, số thuế truy thu bình quân cao. Điều này cho thấy, công tác QLRR trong thanh tra, kiểm tra đã phát huy hiệu quả và mang lại số thuế truy thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tiếp tục các kết quả đã đạt được, đặc biệt kể từ khi Quốc hội 15 thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH15, theo đó quản lý rủi ro trong quản lý thuế được quy định cụ thể tại Điều 9, đồng thời trực tiếp giao Bộ Tài chính quy định cụ thể tiêu chí để đánh giá việc tuân thủ, phân loại rủi ro đối với NNT. Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC để thay thế Thông tư số 204/TT-BTC nhằm cụ thể hóa công tác áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và đặc biệt giao quyền cho Tổng cục Thuế ban hành chi tiết bộ chỉ số tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế, cũng như chủ động trong công tác quản lý của ngành.

Từ sau khi Thông tư 31/2021/TT-BTC có hiệu lực, Tổng cục Thuế sát sao chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý rủi ro bằng việc ban hành các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình thực hiện để đáp ứng theo các ngiệp vụ quản lý thuế như: Quyết định số 1158/QĐ-TCT ngày 03/8/2021 về việc ban hành Bộ chỉ số tiêu chí lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; Qyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023 về quản lý rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn; Quyết định số 1582/QĐ-TCT ngày 6/10/2022 về lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TTĐB, TNDN để kiểm tra tại cơ quan thuế; Quyết định số 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023 về áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Các kết quả đạt được:

- Kết quả thanh tra, kiểm tra giai đoạn 2021-2023:

Từ năm 2021-2023, kết quả thanh tra kiểm tra tính trên số thuế truy thu bình quân một cuộc thanh tra kiểm tra đều tăng qua các năm. Riêng năm 2020, 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số cuộc thanh tra, kiểm tra và số thuế truy thu bình quân trên một cuộc thanh tra, kiểm tra số với năm liên trước giảm. Số liệu cụ thể như sau:

Kết quả thanh tra thuế năm 2021 là 0,809 tỷ đồng/cuộc thanh tra thì năm 2022 là 1,366 tỷ đồng/cuộc thanh tra và năm 2023 tăng lên là 1,977 tỷ đồng/ cuộc thanh tra.

Tăng cường phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế và quản lý tuân thủ pháp luật thuế - ảnh 2

Kết quả kiểm tra thuế tăng đều qua các năm: năm 2021 bình quân là 0,106 tỷ đồng/cuộc kiểm tra, năm 2022 tăng lên là 0,136 tỷ đồng/cuộc kiểm tra, năm 2023 tiếp tục tăng lên là 0,149 tỷ đồng/cuộc kiểm tra.

Tăng cường phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế và quản lý tuân thủ pháp luật thuế - ảnh 3

- Kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong sử dụng hóa đơn điện tử:

+ Sau khi áp dụng quản lý rủi ro trong việc sử dụng HĐĐT, ngày 10/5/2023, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn thực hiện chức năng đối chiếu tờ khai và hóa đơn trên phạm vi cả nước. Tính đến ngày 30/12/2023, theo báo cáo của các cục Thuế số thuế GTGT đầu ra NNT đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng, trong đó phát hiện: có 17.245 NNT tạm dừng hoạt động, 12.843 NNT đã dừng hoạt động, 19.364 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, 2.188 NNT đã chuyển hồ sơ sang Công an. Qua nắm bắt tình hình xử lý thực tế của các Cục Thuế, cho thấy nhiều trường hợp NNT được thông báo khai thiếu thuế đã thực hiện điều chỉnh HĐĐT về số liệu đúng với số kê khai hoặc NNT báo đã hủy hóa đơn gây chênh lệch, nhưng quên hoặc không thực hiện được việc gửi thông báo 04 sai sót tới cơ quan thuế.

+ Kiểm soát HĐĐT theo thông tin cảnh báo: Tổng cục Thuế đã hướng dẫn các Cục Thuế tổ chức kiểm tra “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn”.

Qua báo cáo kết quả rà soát của Cơ quan thuế các cấp trong 06 tháng triển khai cuối năm 2023, toàn ngành đã thực hiện rà soát 34.314 NNT (bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh), trong đó đã có kết quả kiểm tra trên 80% NNT, nhiều Cơ quan thuế đã thực hiện rà soát hơn 90%-100% số lượng NNT vượt ngưỡng hệ số K, xác định được 15,26% NNT vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra, ...).

- Kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết HSHT:

Kể từ ngày 27/10/2023, ngành thuế chính thức áp dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động theo rủi ro. Việc áp dụng này đã phần nào khơi thông được công tác giải quyết hoàn thuế mà lâu nay báo chí đã và đang phản ánh tâm tư, nguyện vọng của một số doanh nghiệp có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu – mong được giải quyết hoàn thuế nhanh, kịp thời, chính xác để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh thêm chi phí lãi vay...Việc áp dụng áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế gắn với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đã rút ngắn được thời gian phân loại hồ sơ trước (hiện chỉ mất từ ½ ngày so với 3 ngày như trước đây).

Bên cạnh những kết quả đạt được, QLRR trong QLT của ngành Thuế hiện nay còn có một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, cơ chế, chính sách về QLRR mặc dù đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; còn nhiều điểm chồng chéo, thường xuyên phát sinh vướng mắc khi tổ chức triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Thứ hai, nhận thức về QLRR trong đội ngũ cán bộ, công chức thuế còn hạn chế, chưa theo kịp với nhiệm vụ công tác QLRR của ngành Thuế trong tình hình mới.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRR chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác QLRR trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong QLT hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế còn chưa phù hợp với thực tế triển khai công việc.

Thứ tư, việc đánh giá rủi ro đối với NNT còn hạn chế, mới dừng ở nhận diện, các trường hợp có rủi ro cao về thuế cần can thiệp bằng những nghiệp vụ như thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý hóa đơn… riêng lẻ ở một số chức năng QLT. Chưa xây dựng được chương trình rủi ro tuân thủ tổng thể về thuế để đánh giá rủi ro trong tất cả các khâu, chức năng QLT.

Thứ năm, công tác thu thập, xử lý thông tin còn hạn chế về phạm vi, mức độ chuyên sâu, chưa tập trung hóa về đầu mối để đảm bảo việc xây dựng, quản lý và điều phối tập trung thống nhất. Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và các cơ quan trong và ngoài Ngành còn nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc thu thập, trao đổi thông tin giữa các bên.

Thứ sáu, khả năng tự động hóa trong phân tích, đánh giá rủi ro trên cơ sở ứng dụng CNTT còn thấp; việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá rủi ro còn khó khăn; tuy đã có ứng dụng hỗ trợ phân tích, đánh giá cảnh báo rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ thuế nhưng để tin học hóa từ các quy định về rủi ro vào ứng dụng còn mất nhiều thời gian, từ thủ tục triển khai xây dựng ứng dụng đến việc phân tích nghiệp vụ cụ thể.

Giải pháp nâng cao hiệu quả QLRR tuân thủ trong quản lý thuế

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các quy định về áp dụng QLRR trong QLT để tăng cường công tác nội dung áp dụng QLRR trong QLT bao gồm: Đăng ký thuế; khai thuế, nộp thuế, nợ thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế; thanh tra thuế; quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong QLT theo quy định.

Xây dựng các bộ tiêu chí, bộ chỉ số đánh giá rủi ro đối với từng phân đoạn NNT theo các tiêu chí, chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ QLT theo hướng áp dụng QLRR trong từng chức năng QLT đối với từng phân đoạn NNT đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Hai là, để áp dụng QLRR tuân thủ có hiệu lực, hiệu quả cần có bộ máy chuyên trách tại các Cơ quan thuế nhằm triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ NNT nâng cao tuân thủ, bố trí cán bộ công chức có kinh nghiệm và hiểu biết về nghiệp vụ thuế phối hợp với các chuyên viên phân tích có kinh nghiệm để xác định liệu các kỹ thuật thống kê có thể phát huy hiệu quả trong việc tìm ra nguyên nhân các rủi ro tuân thủ.

Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác QLRR của ngành Thuế, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, tập trung phục vụ QLRR; Ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ theo chuẩn quốc tế; Xây dựng mới ứng dụng phân tích rủi ro trong QLT theo mô hình kiến trúc tổng thể.

Thứ tư là, xây dựng nội dung nghiệp vụ QLRR trong QLT. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá rủi ro để đáp ứng các nghiệp vụ quản lý thuế trước mắt. Về lâu dài, Tổng cục Thuế cần xây dựng bộ chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ tổng thể đối với NN; xây dựng chương trình QLRR tuân thủ tổng thể. Cần bổ sung các quy định pháp lý, quy định về nội dung, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình QLRR tuân thủ tổng thể.

Năm là, ngành thuế cần đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách pháp luật nói chung, chính sách pháp luật về thuế về quản lý thuế nói riêng theo hướng có lợi, ưu tiên cho NNT tuân thủ tốt./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024