ISSN-2815-5823

Tập trung đẩy mạnh, phát triển đối ngoại đa phương

Liên kết kinh tế đa phương đã trở thành một kênh quan trọng để Việt Nam mở cửa, hội nhập, gắn kết ngày càng chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu; thu hút đầu tư nước ngoài, áp dụng nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế; tranh thủ hỗ trợ phát triển, kinh nghiệm, trình độ quản lý của các nước, tổ chức khu vực, quốc tế…

(KDPT) – Ngày 8/8/2018, lần đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành một văn bản định hướng chiến lược, đó là Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó, chỉ đạo triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực, với trọng tâm là hợp tác kinh tế.

Đẩy mạnh liên kết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm gian hàng của DN Việt Nam tại Hội chợ CIIE 2018. Ảnh: Internet

Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương trên mọi cấp độ, từ cơ chế toàn cầu như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)…; liên khu vực như Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC),… và khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển châu Á (AIIB)…

Theo đại sứ Dương Chí Dũng – Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve (Thụy Sỹ), từ năm 2016 đến nay, điều dễ nhận thấy là Việt Nam đã và đang dần chuyển từ việc chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương trên thế giới sang giai đoạn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Kết quả nổi bật nhất là tổ chức thành công Năm APEC 2017 với những đóng góp quan trọng mang dấu ấn Việt Nam, qua đó thúc đẩy lợi ích và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước; năm 2018, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN)… Những thành công trên sẽ tạo đà cho các hoạt động đối ngoại, hợp tác thời gian tới…

Chặng đường mới…

Năm 2018 đánh dấu một chặng đường mới trong hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đưa nước ta chuyển từ giai đoạn hội nhập, tham gia sang giai đoạn liên kết kinh tế sâu rộng.

Hiện, Việt Nam đã triển khai 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) và chuẩn bị hoàn tất, ký kết, phê chuẩn và thực hiện 6 FTA khác, qua đó thiết lập mạng lưới FTA với gần 60 đối tác, trong đó bao gồm hầu hết các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

Năm vừa qua cũng là thời điểm Việt Nam hoàn thành lộ trình triển khai cam kết gia nhập WTO, cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), bắt đầu thực thi các cam kết FTA khác với mức độ cắt giảm thuế quan sâu rộng. Việc Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hướng tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với các cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đã đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực.

Đặc biệt, việc ban hành Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Việt Nam trong triển khai đối ngoại đa phương giai đoạn tới với tư cách là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, diễn ra tháng 8/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công việc trọng tâm thời gian tới là tiếp tục triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2017; phối hợp với các đối tác thực hiện các sáng kiến Việt Nam đưa ra và đã được APEC thông qua. Việt Nam cần thể hiện vai trò xứng đáng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020; tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đẩy mạnh vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và hoàn thành tốt trọng trách này.

Các diễn giả tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ WEF ASEAN2018. Ảnh: Internet

Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ: “Tôi mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tạo được những mốc son mới trong bức tranh đối ngoại Việt Nam, như: Thành công trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 6/2019; đảm nhiệm tốt cương vị thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đảm nhiệm xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN 2020; đề xuất và tham gia những sáng kiến mới phát huy vai trò của ngoại giao phục vụ phát triển, góp phần thu hút, huy động nguồn lực vốn, công nghệ, tri thức từ bên ngoài phục vụ xây dựng đất nước, cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam; góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, không để ai tụt lại phía sau”.

Tin rằng, với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế. Với nỗ lực và sự tham gia, phối hợp đồng bộ của các bộ, ban, ngành, địa phương cũng như sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, đối ngoại đa phương Việt Nam tiếp tục được triển khai hiệu quả và đóng góp quan trọng cho hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước giai đoạn tới.

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024