ISSN-2815-5823

Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững

(KDPT) - Thái Nguyên chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần chú trọng xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững.
Thái Nguyên: TP. Sông Công chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí của xã nông thôn mới, việc triển khai Chương trình tại Thái Nguyên thời gian qua tập trung vào việc thực hiện hỗ trợ dự án liên kết phát triển sản xuất, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự.

Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững

Thái Nguyên đặc biệt chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với việc 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số được triển khai đến toàn bộ các cơ quan nhà nước. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số, tổ chức tập huấn, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch điện tử.

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên ước tính có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đại Từ và huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó sản phẩm từ chè là 121, chiếm 70%. Thông qua chương trình, giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP được nâng lên, doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao tăng từ 20-50%, nổi bật là các sản phẩm: miến của Hợp tác xã miến Việt Cường, sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Sơn Dung trà.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới đã nâng thương hiệu, nâng giá trị chè Thái Nguyên.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần chú trọng xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững.

Trong đó, các đơn vị cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn; sử dụng hiệu quả nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để ưu tiên phát triển các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối với các huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cần có giải pháp, kế hoạch phù hợp với thực tế, đảm bảo theo lộ trình đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề cương Đề án xây dựng nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt./.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024